KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
HộI TậP : Bồ tát giới Hạ Liên Cư
Việt dịch : Tỳ kheo Thích Minh Cảnh
000OO000
CHƯƠNG MỘT : Pháp hội Thánh chúng
Tôi nghe như vầy : Có một thuở nọ, Đức Phật cùng với, một vạn hai ngàn, vị đại Tỳ kheo, ở trong núi Thứu, tại thành Vương Xá. Tất cả các vị ở ngôi đại Thánh, đã đạt thần thông. Các vị ấy là : Trần Như, Xá Lợi, Đại Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan, đều là thượng thủ.
Lại có Các vị, Bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, Di Lăc, và các Bồ tát, ở trong hiền kiếp, đều đến tập hội.
CHƯƠNG HAI : Vâng theo đức hạnh Bồ Tt Phổ Hiền
Lại có mười sáu, Chánh Sĩ Bồ tát, làm bậc thượng thủ, các Ngài ấy là : Hiền Hộ, Thiện Tư, Trí Huệ, Biện Tài, Quán Tâm, Vô Trụ, Thần Thông, Quang Anh, Bảo Tràng, Trí Thượng, Tịch Căn, Tín Huệ, Nguyên Huệ, Hương Tượng, Bảo Anh, Trung Trụ, Chế Hành, Giải Thoát.
Các thượng thủ này, tu theo đức hạnh, của Ngài Phổ Hiền, đầy đủ vô lượng, hạnh nguyện an trụ, tất cả công đức. Các Ngài đi khắp, thực hành phương tiện, khéo léo nhập vào, pháp tạng của Phật, đến bờ tuyệt đối, nguyện thành Phật ở, vô lượng thế giới. Lìa cung Đâu suất, giáng sanh cung vua, bỏ ngôi xuất gia, khổ hạnh học đạo. Các vị thị hiện, như thế vì thuận, theo pháp thế gian, dùng sức thiền định, và đại trí huệ, hàng phục ma oán, được pháp vi diệu, thành bậc tối thượng, trời người quy ngưỡng, thỉnh chuyển pháp luân. Các Ngài thường dùng, pháp âm vi diệu, tỉnh giác thế gian, phá thành phiền não, lấp hào dục vọng, tẩy sạch bụi dơ, hiển bày trong sáng, điều phục chúng sanh, tuyên dương diệu lý, tích chứa công đức, chỉ dạy phước điền, dùng các thuốc pháp, cứu vớt ba đường, lên bậc Quán đảnh, thọ ký Bồ đề. Vì dạy Bồ tát, các Ngài làm bậc, A-xà-lê sư, thường tu vô biên, các hạnh tương ưng, thành thục vô biên, căn lành Bồ tát, được vô lượng Phật, cùng hộ niệm cho. Trong các cõi nước, của các đức Phật, các Ngài cũng đều, có thể thị hiện, như nhà ảo thuật, hiện các tướng lạ, trong các tướng đó, đều không có thể, nắm bắt cho được. Các Bồ tát này, đều như thế cả, thông đạt pháp tánh, rõ tướng chúng sanh, cúng dường Chư Phật, dẫn dắt quần mê, hóa thân như chớp, xé nát lưới tà, mở các ràng buộc, vượt lên Thanh Văn, và Bích Chi Phật, vào ba giải thoát : Chân không Vô tướng, Vô nguyện giải thoát, khéo lập phương tiện, chỉ dạy ba thừa. Đối hàng trung căn, và cả hạ căn, hiện nhập Niết bàn, chứng các thiền định, vô sanh vô diệt, chứng được tất cả, môn Đà-la-ni. Tùy lúc mà nhập, Tam muội Hoa Nghiêm, đầy đủ trăm ngàn, Tam muội tổng trì, trụ thiền định sâu, gặp vô lượng Phật. Ở trong khoảnh khắc, các Ngài đi khắp, các cõi nước Phật, đạt đại biện tài, trụ hạnh Phổ Hiền, khéo léo phân biệt, ngôn ngữ chúng sanh, khai hóa chỉ bày, bờ mé chân thật, siêu pháp thế gian, tâm thường an trụ, trong đạo cứu thế. Tự tại các pháp, hay làm người bạn, không cần thỉnh mời, của các chúng sanh. Giữ gìn tạng pháp, sâu xa của Phật, giữ gìn giống Phật, không cho dứt mất. Khởi lòng đại bi, thương xót chúng sanh, thể hiện lòng từ, trao cho pháp nhãn, đóng các đường ác, mở các cửa thiện. Lại xem chúng sanh, như chính thân mình, cứu vớt mọi loài, qua bờ bên kia, được các công đức, của vô lượng Phật, trí huệ sáng tỏ, không thể nghĩ bàn. Vô biên vô lượng, những đại Bồ tát, cùng đến tập họp.
Lại có năm trăm, vị Tỳ kheo ni, bảy ngàn thiện nam, năm trăm tín nữ, chư Thiên cõi Dục, Phạm chúng cõi Sắc, đều đến tụ họp.
CHƯƠNG BA : Duyên khởi đại giáo.
Bấy giờ Thế Tôn, oai quang sáng rỡ, như khối vàng ròng, như tấm gương lớn, ảnh hiện trong suốt, phóng ánh sáng lớn, gấp trăm ngàn lần. Tôn giả A Nan, liền suy nghĩ rằng : “Hôm nay Thế Tôn, các căn thanh tịnh, thảy đều hoan hỷ, dung nhan sáng rỡ, cõi nước trang nghiêm, từ xưa đến nay, chưa từng như vậy.” A Nan bấy giờ, vui vẻ chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu, liền đứng ngay dậy, bày vai bên phải, quỳ xuống chắp tay, bạch với đức Phật :
- Bạch đức Thế Tôn, hôm nay Ngài nhập, pháp đại thiền định, trụ pháp kỳ đặc, trong các công hạnh. Nơi Đạo sư trụ, là đạo tối thắng, mà Phật quá khứ, hiện tại vị lai, thường tưởng niệm đến. Vậy đức Thế Tôn, hiện đang nghĩ đến, là ở nơi nào, chư Phật quá khứ ? hay Phật vị lai ? Hoặc Phật hiện tại, ở các phương khác ? Vì cớ sao mà, oai thần rực sáng, rỡ ràng như thế ! Xin Phật dạy cho.
Ngay lúc bấy giờ, đức Phật mới bảo, ngài A Nan rằng :
- Lành thay! Lành thay! Nay ông thương xót, muốn làm lợi ích, đem lại an lạc, cho các chúng sanh, mà hỏi nghĩa lý, vi diệu như vậy. Ông hỏi điều này, công đức vượt trội, hơn cả cúng dường, các A La Hán, và Bích Chi Phật, trong một cõi nước, hơn trăm ngàn lần, bố thí nhiều kiếp, cho khắp chư Thiên, loài người côn trùng. Tại vì sao thế ? Chư thiên loài người, và cả muôn loài, sanh ở tương lai, nhờ câu hỏi này, mà được giải thoát.
Lại này A Nan, đức Như Lai đây, do lòng đại bi, xót thương ba cõi, mà hiện ra đời, chỉ đường sáng suốt, giúp kẻ đui mù, ban cho lợi ích, khó gặp khó thấy, như hoa Ưu Đàm, thời gian rất lâu, mới nở một lần. Ông hỏi hôm nay, có nhiều lợi ích.
A Nan nên biết, trí huệ vô thượng, chánh giác của Phật, rất khó suy lường, không có chướng ngại, ở trong khoảnh khắc, có khả năng trụ, vô lượng ức kiếp, thân không tăng giảm. Vì sao như thế ? Bởi sức thiền định, và trí huệ Phật, rốt ráo cùng tột, tự tại tối thắng, với tất cả pháp. A Nan lắng nghe, và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông, phân biệt giảng nói.
CHƯƠNG BỐN : Nhân địa tu hành của Pháp Tạng
Phật bảo A Nan :
- Ở đời quá khứ, cách vô số kiếp, không thể nghĩ bàn, có Phật ra đời, hiệu là Thế Gian, Tự Tại Như Lai, mười hiệu đầy đủ. Ngài hiện ở đời, giáo hóa chúng sanh, bốn mươi hai kiếp. Lúc Ngài giảng đạo, thuyết pháp giáo hoá, chư thiên loài người, có đại quốc vương, tên Thế Nhiêu Vương, nghe Phật nói pháp, hiểu rõ hoan hỷ, phát tâm Bồ đề, từ bỏ ngôi vua, làm vị sa môn, hiệu là Pháp Tạng. Tu đạo Bồ tát, tài cao trí dũng, siêu xuất thế gian, tin hiểu ghi nhớ, đều là bậc nhất. Pháp Tạng lại có, hạnh nguyện và sức, niệm huệ thù thắng, tăng thượng cho tâm, khiến tâm kiên cố, không hề lay động. Tinh tấn tu hành, không ai sánh kịp. Ngài đến chỗ Phật, đảnh lễ quỳ gối, chắp tay hướng về, dùng kệ tán thán, và phát đại nguyện :
Như Lai vi diệu tướng đoan nghiêm
Tất cả thế gian không ai bằng
Ánh sáng vô lượng chiếu mười phương
Trời, trăng, hỏa châu đều bị át
Thế Tôn diễn nói một âm thanh
Hữu tình tuỳ loại đều nghe hiểu
Sắc thân vi diệu Ngài hiện bày
Các loài chúng sanh đều được thấy
Nguyện con tiếng sạch trong như Phật
Pháp âm vang khắp cõi vô biên
Tuyên dương giới định và tinh tấn
Thông đạt sâu xa pháp nhiệm mầu
Trí huệ rộng sâu như biển cả
Nội tâm trong sạch hết trần lao
Vượt qua vô biên cõi ác thú
Mau đến bờ kia giác tột cùng
Vô minh tham, sân đều dứt cả
Hoặc hết, lỗi trừ, sức tam-muôi
Cũng như vô lượng Phật quá khứ
Làm bậc Đạo sư của quần sanh
Cứu vớt tất cả các thế gian
Sanh già bệnh chết nhiều đau khổ
Thường hành bố thí, giới và nhẫn
Tinh tấn, định, huệ Ba-la-mật
Chúng sanh chưa độ đều được độ
Người được độ rồi mau thành Phật
Ví như cúng dường hằng sa Thánh
Không bằng dũng mãnh cầu thành Phật
Nguyện con an trụ trong thiền định
Thường phóng ánh sáng đến các cõi
Cảm được cõi Phật thường thanh tịnh
Trang nghiêm thù thắng không đâu bằng
Chúng sanh luân hồi trong ác thú
Mau đến cõi con được an lành
Thường dùng từ bi cứu chúng sanh
Độ hết muôn loài đang khổ não
Con tu sức định quyết kiên cố
Chỉ có trí Phật mới chứng tri
Dù cho thân vào trong các khổ
Nguyện con bền chắc vẫn không lùi
CHƯƠNG NĂM : Chí tâm tinh tấn
Tỳ kheo Pháp Tạng, đã nói kệ xong, liền bạch Phật rằng:
- Vì đạo Bồ tát, con nay phát tâm, Vô thượng bồ-đề, nguyện thành Chánh giác, tất cả như Phật, xin Ngài thương con, nói cho pháp mầu. Con sẽ phụng trì, như pháp tu hành, nhổ gốc sanh tử, mau thành Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác. Con mong muốn được, khi con thành Phật, trí huệ sáng tỏ, cõi nước của con, giáo pháp tên gọi, vang khắp mười phương. Chư thiên loài ngưòi, côn trùng nhỏ nhít, khi sanh nước con, đều thành Bồ tát. Con lập nguyện này, sẽ thù thắng hơn, vô số cõi nước, của chư Phật khác. Như thế được chăng ?
Đức Phật Thế Gian, Tự Tại Vương Tôn, liền vì Pháp Tạng, giảng nói kinh pháp:
- Ví như biển cả, có một người nọ, dùng đấu mà lường, trải qua nhiều kiếp, cũng có thể cạn. Còn người chí tâm, cầu thành Phật đạo, tinh tấn không ngừng, thì nhất định sẽ, có kết quả chắc, nguyện nào không thành? Ông tự suy nghĩ, tu phương pháp nào, để thành tựu được, cõi Phật trang nghiêm. Phương pháp tu hành, ông nên tự biết; cõi nước trong sạch, của các đức Phật, ông tự chọn lấy.
Tỳ kheo Pháp Tạng, lại bạch Phật rằng :
- Nghĩa này rộng lớn, lại quá sâu
xa, không phải cảnh giới, của con chứng được. Xin nguyện Như Lai, bậc hiểu biết khắp, nói về vô lượng, cõi nước vi diệu, của các đức Phật. Nếu con được nghe, con sẽ suy xét, tu tập
thành tựu, lời nguyện cầu này.
Đức Phật Thế gian, Tự Tại Vương Tôn, biết được Pháp Tạng, chí nguyện rộng sâu, liền nói rõ tướng, thanh tịnh rộng lớn, viên mãn của cả, hai trăm mười ức, cõi Phật trang nghiêm, xứng với tâm nguyện, của chính Pháp Tạng. Thời nói pháp này, dài ngàn ức năm.
Lúc nghe nói pháp, Pháp Tạng thấy rõ, và phát khởi nguyện, thù thắng vô thượng. Đối với chư Thiên, loài người thiện ác, cõi nước tốt xấu, Pháp Tạng xét suy, một cách rốt ráo, rồi chọn lấy một, thế giới như ý, kết thành nguyện lớn, tinh tấn khẩn cầu, cung kính thận trọng, giữ gìn tích chứa, công đức đầy đủ, suốt cả năm kiếp. Pháp Tạng thấu suốt, công đức trang nghiêm, của hai mươi mốt, Câu chi cõi Phật, như một cõi Phật. Ngài chọn trong ấy, lấy một cõi Phật, thù thắng hơn cả. Đã nhiếp thọ xong, Pháp Tạng trở về, trụ xứ đức Phật, Thế Tự Tại Vương, lạy dưới chân Ngài, đi nhiễu ba vòng, chấp tay đứng hầu, bạch với đức Phật:
- Bạch đức Thế Tôn, con đã thành tựu, được hạnh thanh tịnh, trang nghiêm cõi Phật.
Phật bảo Pháp Tạng :
- Lành thay! Lành thay ! Nay thật phải lúc, ông nói đầy đủ, khiến chúng hoan hỷ, cũng lại khiến cho, chúng nghe pháp này, được lợi ích lớn, có thể ở nơi, cõi Phật tu tập, nhiếp thọ đầy đủ
vô lượng nguyện lớn.
CHƯƠNG SÁU : Phát lời thệ nguyện rộng lớn.
Pháp Tạng bạch rằng :
- Xin đức Thế Tôn, từ bi xét cho. Nếu con chứng được, vô thượng Bồ đề, thì cõi nước con, đầy đủ vô lượng, công đức trang nghiêm, không thể nghĩ bàn, không có địa ngục, ngạ quỉ súc sanh, côn trùng nhỏ nhít. Nếu chúng sanh nào, đọa ba cõi ác, cho dù ở cõi, trời Diêm ma la, muốn được sanh vào, cõi nước của con, chịu sự giáo hóa, đều được thành Phật, không hề trở lại, những cõi ác nữa. Được như nguyện này, thì con thành Phật. Nếu không như thế con không thành Phật..(Nguyện 1: Nguyện trong nước không có ác đạo. Nguyện 2: Không đọa ba đường ác)
Khi con thành Phật, các chúng sanh ở, mười phương thế giới, sanh qua nước con, được đầy đủ cả, ba mươi hai tướng, bậc đại trượng phu, toàn thân phát ra, ánh vàng rực rỡ, dung nghi đoan chánh, thanh tịnh như nhau. Nếu hình tướng họ, đẹp xấu bất đồng, thì con nguyện sẽ, không thành Phật đạo.(Nguyện 3: Nguyện thân có sắc vàng ròng. Nguyện 4: Nguyện có ba mươi hai tướng tốt. Nguyện 5: Nguyện thân không sai biệt)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, sanh qua nước con, thì tự biết được, quá khứ vô lượng, cuộc đời của mình, làm thiện làm ác, đều thấy nghe rõ, biết cả quá khứ, hiện tại vị lai, ở mười phương cõi. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 6: Nguyện có túc mạng thông. Nguyện 7: Nguyện có thiên nhãn thông. Nguyện 8: Nguyện có thiên nhĩ thông)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, sanh qua nước con, thảy đều chứng được, Tha tâm trí thông. Nếu không biết được, tâm niệm chúng sanh, ở trăm ngàn ức, na-do-tha cõi, con không thành Phật.( Nguyện 9: Nguyện tha tâm thông)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, sanh qua nước con, thảy đều có được, thần thông tự tại, Ba-la-mật-đa. Nếu trong một niệm, không thể vượt qua, trăm ngàn ức muôn, na-do-tha cõi, đi vòng khắp cả, cúng dường chư Phật, con không thành Phật.(Nguyện 10: Nguyện được thần túc thông. Nguyện 11: Nguyện giáp khắp cúng dường chư Phật)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, sanh qua nước con, thì chúng sanh ấy, xa lìa phân biệt, các căn tịch tĩnh. Nếu không nhất định, chứng Đại Niết bàn, con không thành Phật.(Nguyện12: Nguyện quyết định thành bậc chánh giác)
Khi con thành Phật, thân con phát ra vô lượng ánh sáng, chiếu khắp mười phương, hơn các Phật khác, hơn cả ánh sáng, mặt trời mặt trăng, gấp trăm ngàn lần. Chúng sanh nào thấy, ánh sáng của con, chiếu đến thân mình, thì được an lạc, phát khởi tâm từ, làm các việc thiện, sanh qua nước con. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 13: Nguyện ánh sáng vô lượng. Nguyện 14: Nguyện chạm Quang minh được an lạc)
Khi con thành Phật, thọ mạng vô lượng, vô số Thanh Văn, Trời, người nước con, cũng số vô lượng. Giả sử chúng sanh, ở tam thiên giới, đều thành Duyên Giác, trong trăm ngàn kiếp, nếu tính biết được, số lượng chúng sanh, ở cõi nước con, con không thành Phật.( Nguyện 15: Nguyện thọ mạng vô lượng. Nguyện 16: Nguyện Thanh Văn vô số)
Khi con thành Phật, vô lượng vô số, chư Phật mười phương, nếu không khen ngợi, danh hiệu của con, và những điều thiện, cùng công đức con, con không thành Phật. (Nguyện 17: Nguyện được chư Phật xưng tán)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, ở mười phương cõi, nghe được tên con, chí tâm tin ưa, có các căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con, dù chỉ mười niệm, đều được sanh về. Chỉ trừ hạng người, phỉ báng chánh pháp, phạm năm tội nghịch. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 18: Nguyện mười niệm tất vãng sanh)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, trong mười phương cõi, nghe được tên con, phát tâm Bồ đề, tu các công đức, thực hành sáu pháp, Ba la kiên cố, lòng không lui sụt, hồi hướng căn lành, nguyện sanh nước con, một lòng xưng niệm, danh hiệu của con, ngày đêm không dứt. Đến khi lâm chung, con và Bồ tát, hiện ra trước mặt, tiếp rước người ấy. Trong khoảng chốc lát, liền được sanh về, cõi nước của con, tu hạnh Bồ tát, lòng không lui sụt. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 19: Nguyện nghe danh phát tâm. Nguyện 20: Nguyện lâm chung tiếp dẫn)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, trong mười phương cõi, nghe được tên con, chuyên tâm nghĩ về, cõi nước của con, phát tâm Bồ đề, bền chắc không lui, gom trồng công đức, chí tâm hồi hướng, muốn về Cực lạc, thảy đều toại nguyện. Nếu có nghiệp ác, của các đời trước, nghe được tên con, liền tự sám hối, làm các thiện nghiệp, tụng kinh trì giới, nguyện sanh nước con, đến khi mạng chung, liền được sanh về, cõi nước của con. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 21: Nguyện sám hối được vãng sanh)
Khi con thành Phật, cõi nước của con, không có người nữ. Nếu người nữ nào, nghe được tên con, lòng tin trong sạch, phát tâm Bồ đề, nhàm chán thân nữ, nguyện sanh nước con. Sau khi mạng chung, liền thành thân nam, sanh về nước con. Các chúng sanh nào, ở mười phương cõi, sanh về nước con, đều được hóa sanh, trong ao hoa sen, bằng bảy thứ báu. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 22: Nguyện trong nước không có người nữ. Nguyện 23: Nguyện nhàm chán thân nữ, chuyển thân nam. Nguyện 24: Nguyện liên hoa hóa sanh)
Khi con thành Phật, chúng sanh mười phương, nghe được tên con, vui vẻ tin ưa, lễ bái quy y, đem tâm thanh tịnh, tu hạnh Bồ đề, tất cả trời người thảy đều tôn kính; nếu mà nghe được, danh hiệu của con, sau khi mạng chung, sanh nhà tôn quý, các căn đầy đủ, thường tu thắng hạnh. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 25: Nguyện Thiên Nhân lễ kính. Nguyện 26: Nguyện văn danh đắc phước. Nguyện 27: Nguyện tu thù thắng hạnh)
Khi con thành Phật, cõi nước của con, không có lời ác. Chúng sanh sanh về, cõi nước của con, đều đồng nhất tâm, trụ nơi Chánh định, xa lìa nóng bức, tâm được mát mẻ, hưởng thọ an lạc, như các Tỳ kheo không còn các lậu. Nếu họ khởi niệm, tham chấp thân thể, con không thành Phật.( Nguyện 28: Nguyện nước không có tên” Bất thiện”. Nguyện 29: Nguyện trụ Chánh định tụ. Nguyện 30: Nguyện vui như Tỳ kheo dứt sạch các lậu. Nguyện 31: Nguyện không tham chấp thân)
Khi con thành Phật, chúng sanh sanh về, cõi nước của con, căn lành vô lượng, được thân Kim cương, sức Na-la-diên, thân và đỉnh đầu, đều phát sáng rực, thành tựu tất cả, trí huệ biện tài, đàm luận khéo léo, các pháp bí yếu, giảng kinh hành đạo, giọng nói như chuông. Nếu không như thế, con không thành Phật. (Nguyện 32: Nguyện được na la diên thân. Nguyện 33: Nguyện Quang minh trí tuệ biện tài. Nguyện 34: Nguyện khéo nói pháp yếu)
Khi con thành Phật, có chúng sanh nào, sanh về nước con, thì đều chứng được, nhất sanh bổ xứ, trừ người có nguyện, làm thân chúng sanh, mặc giáp thệ nguyện, giáo hóa hữu tình, khiến họ phát tâm, tu hạnh Bồ đề, thực hành hạnh nguyện, Bồ tát Phổ Hiền. Tuy sanh nước khác, nhưng đã vĩnh viễn, thoát ly cõi ác, ham thích nói pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện thần thông, tùy ý tu tập, tất cả được đủ. Nếu không như thế, con không thành Phật. (Nguyện 35: Nguyện nhất sanh bổ xứ. Nguyện 36: Nguyện giáo hóa tùy ý)
Khi con thành Phật, người nào sanh về, cõi nước của con, tất cả ẩm thực, y phục phẩm vật, các loại cúng dường, tùy ý hiện đủ. Mười phương chư Phật, ứng theo ý niệm, thọ nhận cúng dường. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 37: Nguyện y thực tự đến. Nguyện 38: Nguyện ứng niệm thọ cúng)
Khi con thành Phật, vạn vật trong nước thảy đều sáng sạch, đẹp đẽ, khác thường vi diệu tột bực, không thể suy lường. Nếu có chúng sanh, dùng đủ thiên nhãn, phân biệt được hết, hình sắc ánh sáng, danh từ số lượng, diễn đạt được hết, con không thành Phật.(Nguyện 39: Nguyện trang nghiêm vô tận)
Khi con thành Phật, ở cõi nước con, vô lượng cây cao, năm trăm do tuần, cây Bồ đề cao, bốn trăm vạn dặm. Bồ tát trong đó, tuy căn lành ít, cũng hiểu biết được. Nếu muốn được thấy, cõi nước thanh tịnh, trang nghiêm của Phật, thảy đều được thấy, trong cây báu đó, giống như thấy mặt, chính mình trong gương. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 40: Nguyện có vô lượng cây sắc báu. Nguyện 41: Nguyện cây hiện cõi Phật)
Khi con thành Phật, cõi nước con ở, rộng lớn trang nghiêm, chói sáng như gương, chiếu khắp vô số, cõi nước Chư Phật, ở khắp mười phương, không thể nghĩ bàn. Chúng sanh thấy được, phát tâm hy hữu. Nếu không như thế, con không thành Phật.( Nguyện 42: Nguyện chiếu suốt mười phương)
Khi con thành Phật, từ trên mặt đất, cho đến hư không, cung điện lầu gác, ao sen, cây, hoa, tất cả vạn vật, trong cõi nước con, đều do hương quý, kết hợp quyện thành. Hương đó bay khắp, mười phương thế giới, chúng sanh ngửi được, đều tu hạnh Phật. Nếu không như thế, con không thành Phật.( Nguyện 43: Nguyện hương báu xông khắp)
Khi con thành Phật, các vị Bồ tát, hiện ở mười phương, cõi nước chư Phật, nghe danh hiệu con, đều được thanh tịnh, Phổ Đẳng Tam muội, thiền định sâu xa, cho đến thành Phật. Ở trong thiền định, thường hay cúng dường, tất cả chư Phật, không mất Chánh định. Nếu không như thế, con không thành Phật.(Nguyện 44: Nguyện phổ đẳng tam muội. Nguyện 45: Nguyện trong định cúng Phật)
Khi con thành Phật, các chúng Bồ tát, ở cõi nước khác, nghe danh hiệu con, liền chứng ly sanh, được Đà-la-ni, thanh tịnh hoan hỷ, được bình đẳng trụ, tu hạnh Bồ tát, đầy đủ công đức. Cũng trong lúc đó, nếu không chứng được, pháp nhẫn thứ nhất, pháp nhẫn thứ nhì, pháp nhẫn thứ ba. Đối với Phật pháp, nếu không chứng được, quả vị bất thối, con không thành Phật.( Nguyện 46: Nguyện được môn Tổng trì (Đà la ni). Nguyện 47: Nguyện nghe danh đặng pháp nhẫn. Nguyện 48: Nguyện hiện chúng quả bất thối chuyển)
CHƯƠNG BẢY : Chắc chắn thành Phật
Phật bảo A Nan :
- Tỳ kheo Pháp Tạng, phát nguyện
vừa xong, dùng kệ tụng rằng:
Chí con lập siêu thế
Quyết chứng đạo Bồ đề
Nguyện này không trọn đủ
Thề không thành Chánh giác
Lại làm đại thí chủ
Cứu vớt hết khổ đau
Khiến cho các chúng sanh
Đêm dài không khổ não
Sanh ra các căn lành
Thành tựu quả giác ngộ.
Nếu con thành Phật quả
Tên là Vô Lượng Thọ
Chúng sanh nghe tên này
Đều phát nguyện sanh về.
Thân vàng như thân Phật
Đầy đủ các tướng tốt
Cũng dùng tâm đại bi
Lợi ích các chúng sanh.
Lìa dục chánh niệm vững
Trí huệ tu phạm hạnh.
Nguyện trí huệ của con
Chiếu sáng mười phương cõi
Tiêu diệt ba đường ác
Cứu vớt các hoạn nạn
Dứt sạch khổ ba đường
Diệt trừ phiền não tối
Khai mở mắt trí huệ
Được có thân ánh sáng.
Đóng bít các cõi ác
Mở thông các đường lành
Vì chúng mở kho pháp
Rộng ban công đức quý
Trí vô ngại như Phật
Thực hành lòng từ mẫn
Đấng Đại hùng ba cõi
Thường làm Thầy trời người.
Tiếng như sư tử hống
Độ khắp loài hữu tình
Tròn đủ lời nguyện xưa
Tất cả đều thành Phật.
Nguyện này nếu kết quả
Cả Đại thiên cảm động
Các thiên thần trên không
Rải hoa quý cúng dường.
Phật bảo A Nan :
- Tỳ kheo Pháp Tạng, vừa nói kệ xong, ngay đó mặt đất, chấn động sáu cách, trời mưa hoa đẹp, rải trên Pháp Tạng. Hư không tự nhiên, vang lên âm nhạc, và tán thán rằng : “ Quyết sẽ thành Phật”.
CHƯƠNG TÁM : Tích lũy công đức
Lại này A Nan, Tỳ kheo Pháp Tạng, ở trước đức Phật, Thế Tự Tại Vương, và chúng trời người, phát nguyện lớn xong, trụ huệ chân thật, dũng mãnh tinh tấn, tâm chuyên hướng về, cõi nước trang nghiêm, cõi Phật tu tập, khai mở rộng lớn, kiến lập thế giới, độc nhất siêu việt, không hề suy giảm. Trong vô lượng kiếp, tích lũy đức hạnh, không khởi các tưởng, tham, sân, si, dục, không dính sắc thanh, hương vị xúc pháp, chỉ ưa tưởng niệm, chư Phật quá khứ, tu tập căn lành, hành hạnh tịch tĩnh, thoát ly hư vọng, nương vào Chân đế, mà trồng công đức, không kể khó nhọc, ít muốn biết đủ, cầu pháp thanh tịnh, chuyên làm lợi ích, cho các chúng sanh. Chí nguyện vững mạnh, thành tựu sức nhẫn, giáo hóa hữu tình, lòng thường từ mẫn, nói lời hòa ái, khuyên nhủ cố gắng, cung kính Tam bảo, phụng thờ sư trưởng, không có dối trá. Các hạnh trang nghiêm, đầy đủ khuôn phép, quán sát các pháp, như ảo như hóa, thiền định vắng lặng. Pháp Tạng khéo léo, gìn giữ khẩu nghiệp, không hề bàn luận, điều xấu của người; khéo giữ thân nghiệp, không mất luật nghi; khéo giữ ý nghiệp, trong sạch không nhiễm. Dù có cõi nước, thành ấp xóm làng, quyến thuộc trân bảo, nhưng không tham đắm. Thường tu sáu độ : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ được, an trụ trong đạo, chân chánh vô thượng. Do vì thành tựu, căn lành như thế, cho nên Pháp Tạng, sanh ở chỗ nào, cũng tự nhiên có, vô lượng kho báu, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ, quý tộc, hoặc làm Quốc vương, Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc Vua của sáu tầng trời cõi Dục, cho đến Phạm vương. Pháp Tạng tôn trọng, cúng dường chư Phật, chưa từng gián đoạn. Công đức như thế, nói không thể hết. Thân miệng Pháp Tạng, thường tỏa hương thơm, giống hương chiên đàn, mùi hoa Ưu Bát. Chính mùi hương này, xông thơm lan toả, vô lượng cõi nưóc. Sanh ra nơi nào, Pháp Tạng cũng đủ, ba mươi hai tướng, của đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp, thân tướng đoan nghiêm. Trong tay của Ngài, thường hiện vô số, đồ dùng quý báu. Tất cả đồ dùng, đều đẹp bậc nhất để cho Pháp Tạng, lợi ích chúng sanh. Do nhân duyên đó, vô số chúng sanh, phát tâm Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác.
CHƯƠNG CHÍN : Thành tựu viên mãn.
Phật bảo A Nan :
Tỳ kheo Pháp Tạng, tu hạnh Bồ tát, tích lũy công đức, vô lượng vô biên, tâm được tự tại, với tất cả pháp, không thể nào dùng, ngôn ngữ phân biệt, mà biết rõ được, những điều phát nguyện, đều được thành tựu. Pháp Tạng như thật, an trụ cõi Phật, đầy đủ oai đức, trang nghiêm rộng lớn.
A Nan nghe Phật, nói điều đó xong, bạch với Phật rằng :
- Bồ tát Pháp Tạng, thành tựu giác ngộ, là Phật quá khứ ? Hay Phật tương lai ? Hay Phật hiện tại, ở cõi nước khác?
Lúc ấy Thế Tôn, lại bảo A Nan :
Chính đức Phật đó, không từ đâu đến, đi không về đâu, không sanh không diệt, không phải quá khứ, hiện tại vị lai. Vì nguyện độ sanh, Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà, ở nước Cực lạc, về chính phương Tây, cách Diêm phù đề, trăm ngàn Câu chi do tha cõi Phật, đã hơn mười kiếp. Hiện nay Phật ấy, đương nói pháp mầu, vô lượng vô số, Bồ tát Thanh Văn, cung kính vây quanh.
CHƯƠNG MƯỜI : Nguyện tất cả đều thành Phật
Đức Phật nói về, Phật A Di Đà, lúc làm Bồ tát, cầu được nguyện này, vương tử A Xà, năm trăm Trưởng giả, nghe được vui mừng, mỗi vị đều cầm, một chiếc lọng vàng, cùng đến trước Phật, đảnh lễ dâng lọng. Cúng dường Phật xong, ngồi qua một bên, nghe kinh vi diệu, đều phát nguyện rằng :
- Khi tôi thành Phật, tất cả đều như, Phật A Di Đà.
Đức Phật biết được, bảo các Tỳ kheo :
- Các Vương tử này, sau sẽ thành Phật. Đời trước họ đã, tu hạnh Bồ tát, đã từng cúng dường, bốn trăm ức Phật, trong vô số kiếp. Thời Phật Ca Diếp, các vương tử đó, làm đệ tử ta, hôm nay lại được, gặp và cúng dường.
Các thầy Tỳ kheo, nghe Phật nói thế, thảy đều hoan hỷ.
CHƯƠNG MƯỜI MỘT : Cõi nước thanh tịnh trang nghiêm
Phật bảo A Nan :
- Cõi nước Cực lạc, đầy đủ vô lượng,
công đức trang nghiêm, vĩnh viễn không có, danh từ đau khổ, ma não, ác thú, các thứ tai nạn; cũng không có cả, bốn mùa lạnh nóng, mưa gió khác nhau; lại cũng không có, sông biển lớn nhỏ, gò, nổng, hầm, hố, gai gốc, đá sỏi, Tu Di, Thiết Vi. Tất cả đều bằng, bảy thứ quý báu, đất bằng vàng ròng, rộng lớn bằng phằng, không có giới hạn, đẹp đẽ trong sạch, trang nghiêm tốt đẹp, vượt hơn tất cả, cõi nước mười phương.
A Nan nghe xong, bạch đức Thế Tôn :
- Nếu cõi nước đó, không núi Tu di, thì Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên Vương, sẽ trụ nơi đâu ?
Phật hỏi A Nan :
- Tất cả cõi trời, Dạ ma, Đâu suất, Sắc, Vô sắc giới, nương đâu mà trụ ?
A Nan bạch Phật :
- Nương vào nghiệp lực, không thể nghĩ bàn.
Phật bảo A Nan :
- Nghiệp lực sâu nặng, không nghĩ bàn đó, ông có biết không ? Quả báo thân ông, cũng không nghĩ bàn. Nghiệp báo chúng sanh, cũng không nghĩ bàn, thiện căn chúng sanh, cũng không nghĩ bàn, Thánh lực chư Phật, cõi nước chư Phật, cũng không nghĩ bàn. Chúng sanh nước đó, dùng công đức lành, trụ nơi hạnh nghiệp, nương nhờ thần lực, Phật A Di Đà, mà thành như vậy.
A Nan bạch Phật :
- Nghiệp nhân quả báo, không thể nghĩ bàn. Con đối pháp này, thật không nghi ngờ. Chỉ muốn phá trừ, lưới nghi tất cả, chúng sanh đời sau, mà hỏi câu này.
CHƯƠNG MƯỜI HAI : Ánh sáng chiếu khắp
Phật bảo A Nan :
- Ánh sáng oai thần, của Phật Di Đà, rất là cao quý, chư Phật mười phương, đều không thể bằng, chiếu rọi khắp soi, hằng sa cõi Phật, phương Đông phương Tây, phương Nam phương Bắc, phương trên phương dưới, và bốn phương phụ, cũng giống như thế. Hào quang trên đỉnh, của đức hóa Phật, chỉ chiếu một hai, ba bốn do tuần, hoặc là trăm ngàn, vạn ức do tuần. Ánh sáng Phật khác, chỉ chiếu xa được, một hai cõi Phật, hoặc là một trăm, một ngàn cõi Phật. Chỉ có ánh sáng, của Phật Di Đà, chiếu soi rộng khắp, vô số vô biên, vô lượng cõi Phật. Ánh sáng Phật khác, chiếu xa hoặc gần, vốn do đời trước, cầu đạo, phát nguyện, công đức lớn nhỏ, không đồng đều nhau. Đến khi thành Phật, thì chính tự mình, có được ánh sáng, làm ra điều gì, cũng được tự tại, không cần dự tính. Còn ánh sáng của, Phật A Di Đà, thù thắng chói sáng, hơn cả ánh sáng, mặt trời mặt trăng, ngàn ức vạn lần. Trong những ánh sáng, chỉ có ánh sáng, của Phật Di Đà, là cao quý nhất, là vua ánh sáng. Cũng vì lẽ đó, Phật Vô Lượng Thọ, còn được gọi là, Phật Vô Lượng Quang, cũng còn gọi là, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang. Ánh sáng như thế, chiếu khắp tất cả, cõi nước mười phương. Nếu chúng sanh nào, gặp ánh sáng này, thì phiền não diệt, pháp thiện phát sanh, thân tâm nhu nhuyến. Nếu ở ba cõi, cùng cực khổ đau, thấy ánh sáng nầy, thì đau khổ dứt. Sau khi mạng chung, liền được giải thoát. Nếu có chúng sanh, có thể nghe được, oai thần công đức, của ánh sáng này, chí tâm xưng tán, thì sẽ được sanh, về cõi nước ấy, tùy theo ý muốn.
CHƯƠNG MƯỜI BA : Mạng sống Phật và đại chúng đều vô lượng
Phật bảo A Nan :
- Phật Vô Lượng Thọ, mạng sống dài lâu, không thể tính lường, lại có vô số, đại chúng Thanh Văn, thần trí thông đạt, oai lực tự tại, có thể nắm giữ, tất cả thế giới, trong bàn tay mình. Trong đệ tử ta, Đại Mục Kiền Liên, thần thông bậc nhất, trong một ngày đêm, có thể biết được, số lượng chúng sanh, trong mười phương cõi. Giả sử chúng sanh, ở trong mười phương, đều thành Duyên Giác, mỗi một Duyên Giác, sống lâu vạn ức, đều có thần thông, như Mục Kiền Liên, thì dù cho có, vận hết trí lực, để cùng với nhau, suy tính số lượng, của các Thanh Văn, trong hội Phật đó, thì sẽ không được, một phần vạn lần. Ví như biển cả, sâu rộng vô biên, giả sử có lấy, một sợi lông nhỏ, phân ra trăm phần, nghiền như vi trần. Lấy mao trần đó, chấm giọt nước biển, thì nước trên đầu, của mao trần đó, so với nước biển, nước nào nhiều hơn ?
Lại này A Nan, số lượng Thanh Văn, mà các Duyên Giác, và Mục Kiền Liên, có thể biết được, như là số nước, trên một mao trần, còn điều chưa biết, thì như biển kia. Mạng sống Phật đó, và mạng trời người, Thanh Văn Bồ tát, cũng giống như vậy, không thể nào dùng, toán số ví dụ, mà biết hết được.
CHƯƠNG MƯỜI BỐN : Cây báu cùng khắp cõi nước
Cõi nước Phật đó, có nhiều cây báu. Hoặc toàn bằng vàng, hoặc toàn bằng bạc, toàn bằng lưu ly, hoặc là toàn bằng, thủy tinh hổ phách, ngọc quý mã não. Những thứ cây ấy, thuần là do một, chất báu mà thành, chứ không xen tạp. Lại có các cây, toàn bằng hai ba, cho đến bảy báu, cộng lại mà thành. Gốc, thân, cành ngọn, đều do những chất, báu ấy tạo ra. Hoa lá và quả, bằng chất báu khác. Lại có các cây, gốc vàng thân bạc, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Còn những cây khác, cũng do bảy báu, cùng nhau tạo thành, gốc thân cành lá, hoa quả tốt tươi. Mỗi loại tự xếp, thành hàng khác nhau, hàng hàng thẳng tắp, lối lối ngang bằng, lá cành cùng hướng, hoa trái đối nhau. Màu sắc tươi thắm, chói sáng không thể, nhìn tả hết được. Gió mát thổi lên, chạm lá phát ra, năm loại âm thanh, cung bậc vi diệu, tự nhiên hòa hợp, các cây báu này, khắp cõi nước ấy.
CHƯƠNG MƯỜI LĂM : Đạo tràng Bồ đề.
Đạo Tràng lại có, cây Bồ đề cao, bốn trăm vạn dặm, chu vi gốc cây,
năm ngàn do tuần, cành lá tỏa rộng, ra khắp bốn phía, hai mươi vạn dặm, đều do các báu, tự nhiên hiệp thành. Hoa quả tươi tốt, chói sáng cùng khắp. Các loại ngọc quý, là vua loài ngọc, hồng lục trắng xanh, kết chuỗi anh lạc. Mây ngọc vòng quanh, trang sức trụ báu. Linh vàng chuông ngọc, giăng khắp mọi nơi. Lưới báu trân châu, che trùm khắp cả, trăm ngàn màu sắc, ánh chiếu lẫn nhau, vô lượng hào quang, sáng soi vô cực. Mọi sự trang nghiêm, tùy ứng hiện. Gió mát thổi nhẹ, vào các cành lá, lay động tạo thành, tiếng pháp vô lượng. Âm thanh vi diệu, vang khắp cõi Phật, thanh tao hòa nhã, trong trẻo tuyệt vời, là tiếng hay nhất, trong các âm thanh, mười phương thế giới. Nếu chúng sanh nào, thấy được đạo thọ, nghe được âm thanh, ngửi được mùi hương, nếm được diệu quả, chạm được ánh sáng, nhớ nghĩ công đức, của cây báu này, sáu căn thanh tịnh, không còn phiền não, trụ nơi bất thối, thành tựu Bồ đề. Lại còn vầy nữa, do thấy cây này, đạt ba loại nhẫn : Âm hưởng, Nhu thuận, Vô sanh pháp nhẫn.
Phật bảo A Nan :
Cõi nước của Phật, trang nghiêm như thế, dùng cây hoa quả, và các chúng sanh, mà làm Phật sự. Đó là do nhờ, sức của oai thần, sức của bản nguyện của đức Phật kia. Nguyện lực đầy đủ, rõ ràng kiên cố, mà được như thế.
CHƯƠNG MƯỜI SÁU : Nhà cửa lầu gác.
Lại nữa A Nan, giảng đường tinh xá, lầu gác lan can, của đức Phật đó, cũng thảy đều do, bảy báu kết thành, ngọc Ma Ni trắng, xếp thành những đường, trong sáng đẹp đẽ, không thể so sánh. Cung điện Bồ tát, cũng bằng chất quý. Trong đó hoặc có các vị Bồ tát hiện ở trên đất, giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, kinh hành, ngồi thiền, tư duy, về Tám đạo chánh. Các vị Bồ tát, ở trên hư không, giảng kinh, nghe nhận, tụng đọc, kinh hành, tọa thiền, tư duy. Có người chứng được, quả Tu Đà Hoàn, có người chứng được, quả Tư Đà Hàm, quả A-Na-Hàm, và A-La-Hán. Người nào chưa được, quả vị bất thối, thì sẽ chứng được, quả vị bất thoái, mọi người tự mình, suy niệm về đạo, trong niềm hoan hỷ.
CHƯƠNG MƯỜI BẢY : Công đức của ao suối
Lại nữa A Nan, hai bên giảng đường, có ao suối mát, chảy thông với nhau, sâu cạn, dài rộng, phân thành từng loại. Hoặc mười do tuần, hai mươi do tuần, cho đến một trăm, một ngàn do tuần, trong trẻo thơm tho, đầy nước tám đức. Trên bờ ao kia, có vô số loại, cây Chiên đàn hương, cây Kiết tường quả, hoa trái tỏa hương, ánh sáng rực rỡ. Cành lá xum xuê, che mát cả ao, thoảng hương thơm ngát, hương của thế gian, không thể sánh bằng, theo gió hương bay, theo dòng hương tỏa.
Lòng ao trang sức, bằng bảy thứ báu, đáy bằng cát vàng. Trong đó có hoa, sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng, đầy cả mặt nước, muôn màu tươi thắm. Chúng sanh nước đó, xuống ao này tắm. Họ muốn nước ấy, đến chân đến gối, đến lưng đến cổ, muốn nước rửa thân, muốn nước lạnh ấm, muốn nước mạnh yếu, tất cả thảy đều, chìu theo ý muốn. Tắm xong đều được, khai thần mở trí, thân thể sảng khoái, sáng sạch nhẹ nhàng. Cát vàng sáng chói, dù ở chỗ sâu, vẫn ánh lên mặt. Sóng gợn lăn tăn, nối nhau không dứt, phát ra vô lượng, vi diệu âm thanh, như tiếng Tam bảo, tiếng Ba la mật, tiếng vô sanh diệt, tiếng ngừng vắng bặt, mười lực, vô úy, vô tánh, vô tác, vô ngã vô nhân, tiếng đại từ bi, tiếng đại hỷ xả, cam lồ quán đảnh, thọ nhận giai vị. Chúng sanh nghe được, những âm thanh ấy, tâm liền thanh tịnh, không còn phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành tựu căn lành. Theo nghĩa được nghe, tương ưng với pháp, tùy nguyện muốn nghe, đều được toại nguyện, còn âm thanh khác, thì không nghe thấy. Họ được vĩnh viễn, không bị lui sụt, nơi tâm Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác.
Các chúng sanh ở, mười phương thế giới, sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh, trong hoa sen đẹp, nơi ao bảy báu, thân thể sáng sạch, cao quý vô cùng. Họ không còn nghe, tên ba đường khổ; tên còn không nghe, huống chi khổ thật. Chỉ có thứ tiếng, tự nhiên an lạc, vì thế nước ấy, gọi là Cực lạc.
CHƯƠNG MƯỜI TÁM : Ít có, siêu việt thế gian
Ở nước Cực lạc, chúng sanh sanh về, dung mạo đẹp đẽ, không ai sánh bằng, tất cả cùng loại, không có sai biệt, vì thuận phong tục, có tên trời, người.
Phật bảo A Nan :
- Ví như có người, ăn xin nghèo khổ, đứng cạnh nhà vua, diện mạo, hình trạng, có khác nhau không ? Đem nhà vua đó, nếu so sánh với, Chuyển Luân Thánh Vương, thì sẽ xấu xí, như người ăn xin, bên cạnh vua vậy. Chuyển Luân Thánh Vương, oai tướng bậc nhất, nhưng đem so với, vua trời Đao Lợi , lại càng xấu hơn. Giả như Đế Thích, so Đệ Lục Thiên, thì tất không bằng, một phần ngàn lần. Đệ Lục Thiên Tử, nếu so sánh với, Bồ tát, Thanh Văn, ở cõi Cực lạc, nhan sắc dung mạo, không bằng một phần, trăm vạn ức lần; cung điện, y phục, thức ăn, thức uống, của các Bồ tát, và chúng Thanh Văn, giống hệt như trời, Tha Hóa Tự Tại, cho đến oai đức, thần thông biến hóa, tất cả trời người, không thể sánh bằng, một phần trong số, trăm vạn ức lần.
A Nan nên biết, cõi nước Cực lạc, của Phật Di Đà, công đức trang nghiêm, không thể nghĩ bàn, là như thế đó.
CHƯƠNG MƯỜI CHÍN : Thọ dụng được đầy đủ
Lại nữa A Nan, chúng sanh đã sanh, đang sanh sẽ sanh, qua nước Cực lạc, đều có hình tướng, đẹp đẽ, đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại. Tất cả thọ dụng, đều đầy đủ cả. Cung điện, phục sức, hương hoa, phan lọng, đồ dùng trang nghiêm, tùy ý mà có. Chúng sanh cõi đó, muốn ăn thì có, bát bằng bảy báu, tự nhiên hiện đến, với đầy đủ cả, trăm món uống ăn. Tuy nói thức ăn, nhưng thực không ăn, chỉ ý thọ dụng, sắc thanh hương vị, sắc lực tăng trưởng, không có đại tiểu, tiện lợi dơ uế. Thân tâm nhu nhuyến, không đắm trước vị. Khi đã dùng xong, các món ăn uống, tự nhiên biến mất, đúng thời lại hiện. Lại có các loại, áo báu đẹp đẽ, mũ bằng anh lạc, vô lượng ánh sáng, trăm ngàn diệu sắc, tự nhiên đầy đủ. Nhà ở đẹp đẽ, xứng với hình tướng, lưới báu che phủ, trên lưới treo linh. Tất cả giao kết, lẫn nhau cùng khắp, ánh sáng chiếu diệu, rực rỡ, tráng lệ. Lại có lầu gác, bao lơn nhà cửa, phòng ốc rộng hẹp, vuông tròn lớn nhỏ, dù ở mặt đất, hay trên hư không, thanh tịnh an ổn, vi diệu an lạc, theo ý hiện ra, thảy đều đầy đủ.
CHƯƠNG HAI MƯƠI : Gió đức, mưa hoa
Cõi nước Phật đó, khi đến giờ ăn, tự nhiên có làn, gió đức thổi nhẹ, rung các mành lưới, và hàng cây báu, từ đó phát ra, âm thanh vi diệu. Những âm thanh ấy, diễn pháp vô thường, khổ không vô ngã, các Ba-la-mật. Gió mang vạn loại, hương đức thơm nhẹ, lan tỏa khắp nơi. Người nào nghe được, không còn sanh khởi, trần lao cấu uế. Gió chạm đến thân, tự nhiên cảm thấy, an vui hòa nhã, giống như Tỳ kheo, chứng Diệt tận định. Gió thổi cây báu, mang hoa xếp lại, thành từng đống lớn, màu nào sắc nấy, không có xen lẫn. Cánh hoa mềm mại, sáng sạch như là, hoa Đâu-la-miên. Chúng sanh nước ấy, đi bước trên hoa, lún sâu bốn tấc, vừa giở chân lên, hoa lại như cũ. Sau khi ăn xong, hoa tự biến mất, mặt đất trong sạch. Gió lại tung rải, một lớp hoa mới, đúng theo thời tiết, sáu lần như thế.
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT : Hoa sen báu và ánh sáng Phật
Lại có rất nhiều, hoa sen quý báu, cùng khắp thế giới. Tất cả hoa đó, có ngàn ức cánh, ánh sáng nhiều màu. Hoa sen màu xanh, phóng ánh sáng xanh, hoa sen màu trắng, phóng ánh sáng trắng, hoa vàng hoa đỏ, mầu sắc ánh sáng, cũng lại như thế. Vô lượng vật báu, cùng trăm ngàn ngọc, Ma-ni chói sáng, át cả nhật nguyệt. Những hoa sen ấy, hoặc nửa do tuần, hoặc hai ba bốn, cho đến một trăm, một ngàn do tuần. Trong mỗi hoa sen, đều ánh phát ra, ba mươi sáu trăm, ngàn ức tia sáng. Trong mỗi tia sáng, hiện ba mươi sáu, trăm ngàn ức Phật, thân màu vàng ròng, đầy đủ tướng quý, vẻ đẹp lạ thường. Mỗi đức Phật đó, lại phóng trăm ngàn, tia sáng chói lọi, nói pháp vi diệu, đến khắp mười phương. Chư Phật như thế, dẫn dắt chúng sanh, trụ trong chánh đạo.
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI : Quyết định chứng quả cao nhất
Lại nữa A Nan, cõi nước Phật đó, không có bóng tối, không có ánh lửa, không có ánh sáng, mặt trời mặt trăng, và các tinh tú, không có tướng trạng, của ngày và đêm, cũng không có tên, tháng năm kiếp số. Chúng sanh cũng không, chấp trước gia đình, không nêu tên hiệu. Lại cũng không có, thủ xả, phân biệt, tất cả hưởng thụ, an lạc thanh tịnh. Nếu như có người, thiện nam, tín nữ, hoặc là đã sanh, hoặc sẽ sanh về, thảy đều được trụ, ở Chánh định tụ, quyết định thành tựu, Vô thượng đẳng giác. Vì sao như thế ? Nếu là Tà định, và Bất định tụ, thì không thấu suốt, và không thể nào, biết lập nhân ấy.
CHƯƠNG HAI MƯƠI BA : Mười phương Chư Phật đều nghe pháp
Lại nữa A Nan, hằng sa cõi nước, ở về phương Đông, trong mỗi thế giới, có hằng sa Phật, mỗi vị Phật ấy, đều dùng tướng lưỡi, dài rộng, phóng ra, vô lượng ánh sáng, nói lời chân thật, tán thán công đức, Phật Vô Lượng Thọ, không thể nghĩ bàn. Chư Phật hằng sa, các nước phương Nam, phương Tây phương Bắc, và bốn phương phụ, phương trên phương dưới, cũng đều xưng tán. Tại vì sao thế ? Chư Phật muốn khiến, chúng sanh các nước, trong thế giới khác, nghe được danh hiệu, Phật Vô Lượng Thọ, phát tâm trong sạch, nhớ nghĩ thọ trì, quy y cúng dường, dù chỉ một niệm, tín tâm trong sạch, đem công đức này, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh nước đó. Những chúng sanh đó, đều được vãng sanh, ở vị bất thoái, cho đến chứng thành, quả vị Chánh giác.
CHƯƠNG HAI MƯƠI BỐN : Ba hạng vãng sanh
Phật bảo A Nan :
- Chư Thiên loài người, ở trong thế giới, mười phương ức cõi, nếu chí tâm nguyện, sanh về Cực lạc, thì có ba bậc :
Bậc thượng là người, bỏ nhà lìa dục, làm bậc sa môn, phát tâm Bồ đề, một lòng nghĩ nhớ, đức Phật Di Đà, tu tập công đức, nguyện sanh nước đó. Những chúng sanh này, đến lúc lâm chung, Phật A Di Đà, và các Thánh chúng, hiện ra trước mặt, trong khoảng chốc lát, người đó theo Phật, sanh về nước ấy, lại được hóa sanh, trong ao bảy báu, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Do đó A Nan, nếu có chúng sanh, muốn ngay đời này, thấy Phật Di Đà, thì nên phát tâm, Vô thượng Bồ đề, lại nên chuyên nhớ, về nước Cực lạc, gom góp căn lành, hồi hướng nước kia. Sau sẽ thấy Phật, sanh về nước đó, được quả bất thoái, cho đến quả Phật.
Bậc trung tuy là, không làm sa môn, tu công đức lớn, nhưng lại phát tâm, vô thượng Bồ đề, một lòng nhớ nghĩ, Phật A Di Đà, tùy sức tu hành, thành tựu công đức, giữ gìn trai giới, xây dựng chùa tháp, tô đắp tôn tượng, cúng dường sa môn, thắp đèn treo phan, rải hoa đốt hương, đem công đức này, hồi hướng nguyện sanh, về cõi nước kia. Người này lâm chung, sẽ được hóa thân, Phật A Di Đà, đầy đủ tướng quý, và muôn vẻ đẹp, sáng như Phật thật, hiện ra trước mặt, cùng với đại chúng, cung kính vây quanh, tiếp dẫn người đó. Người đó tức thì, theo hóa thân Phật, mà được vãng sanh, chứng quả bất thoái, cho đến quả vị, Vô thượng Bồ đề. Công đức trí huệ, của những người này, kém hơn bậc thượng.
Còn về bậc hạ, giả như không làm, các thứ công đức, mà lại phát tâm, Vô thượng Bồ đề, một lòng nhớ nghĩ, đến Phật Di Đà, vui vẻ, tin ưa, không sanh nghi hoặc, thành tâm nguyện sanh, về cõi nước đó. Khi những người này, sắp phải mạng chung, mộng thấy đức Phật, cũng được vãng sanh. Công đức trí huệ, của những người này, kém hơn bậc trung.
Nếu có chúng sanh, trụ pháp Đại thừa, dùng tâm thanh tịnh, hướng về đức Phật, Vô Lượng Thọ Quang, niệm danh hiệu Ngài, dù chỉ mười niệm, nguyện sanh nước kia, đến khi nghe được, diệu pháp thâm sâu, liền sanh tin hiểu. Cho đến một niệm, tâm nghĩ nhớ đến, đức Phật Di Đà, thì những người này, khi sắp lâm chung, như là trong mộng, thấy Phật Di Đà, quyết định vãng sanh, được bất thoái chuyển, cho đến quả Phật .
CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM : Chánh nhân của vãng sanh.
Lại nữa A Nan, nếu có những người, thiện nam thiện nữ, nghe kinh điển này, thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, ngày đêm không dứt, cầu được vãng sanh, về cõi nước kia. Phát tâm Bồ đề, giữ gìn giới cấm, bền chắc không lui, lợi ích chúng sanh, bao nhiêu căn lành, đều đem ban phát, cho các chúng sanh, để họ an lạc, luôn luôn nhớ nghĩ, đến Phật Di Đà, và nước Cực lạc. Với những người này, sau khi mạng chung, thân tướng tốt đẹp trang nghiêm như Phật, được sanh nước ấy, mau được nghe pháp, vĩnh viễn không còn, lui sụt Bồ đề.
Lại nữa A Nan, nếu có chúng sanh, muốn sanh nước kia, tuy không tu tập, tinh tấn thiền định, mà lại chí thành, tụng đọc tôn kinh, giữ gìn giới cấm, làm các việc thiện, như không sát sinh, không trộm không dâm, không nói dối trá, thêu dệt, hung ác, không nói đôi chiều, không tham sân si. Như thế ngày đêm, người đó nghĩ nhớ, công đức trang nghiêm, của Phật Di Đà, ở cõi phương Tây, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Người này lâm chung, không còn sợ hãi, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh, về cõi Phật đó.
Nếu như người nào, vì nhiều sự duyên, không thể xuất gia, không có thời gian, tu tập trai giới, nhưng lòng trong sạch, trong lúc rảnh rỗi, đoan thân chánh niệm, lìa dục bỏ lo, từ bi tinh tấn, giữ tâm không hề, sân hận ganh ghét, tham lam keo kiệt, hối hận giữa chừng, không chút nghi ngờ. Sống đời hiếu thuận, chí thành trung tín, tin tưởng sâu xa, những lời Phật dạy, tin thiện được phước, phụng trì như thế, không hề thiếu sót. Muốn được độ thoát, thường phải phát nguyện, sanh về Tịnh độ, của Phật Di Đà, từ một đến mười, ngày đêm không dứt. Đến khi lâm chung, người này sẽ được, vãng sanh nước kia, hành Bồ tát đạo, đạt được bất thoái, đầy đủ thân vàng, ba mươi hai tướng, sẽ được thành Phật. Người ấy muốn được, thành Phật nước nào, cũng được như ý, tùy sự tinh tấn, cầu đạo không dừng, mà đạt sở nguyện.
Lại này A Nan, vì lợi ích này, nên Chư Phật ở, vô lượng vô số, các cõi nước kia, đều cùng tán thán, Phật Vô Lượng Thọ, có nhiều công đức.
CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU : Đảnh lễ, cúng dường, nghe pháp
Lại nữa A Nan, các chúng Bồ tát, ở khắp mười phương, ai muốn chiêm ngưỡng, đảnh lễ đức Phật, Vô Lượng Thọ Quang, ở cõi Cực lạc, mỗi người hãy đem hương hoa, phướn lọng, đi đến chỗ Phật, cung kính cúng dường, nghe nhận kinh pháp, tuyên dương giáo hóa, khen ngợi công đức, trang nghiêm thanh tịnh, của nước Cực lạc.
Bấy giờ Đức Phật, bèn nói kệ rằng :
Cõi Phật ở phương Đông
Nhiều như cát sông Hằng
Vô lượng chư Bồ tát
Đến lễ Phật Di Đà
Nam, Tây, Bắc tất cả
Trên dưới đều như thế.
Hoặc dùng tâm tôn trọng
Cúng dường các vật báu
Nói ra lời hòa nhã
Ca tụng đấng Vô Thượng
Đạt được thần thông huệ
Nhập vào pháp sâu xa
Nghe tên Phật Thánh đức
An ổn được lợi lớn
Trong các loại cúng dường.
Siêng tu không mỏi mệt
Quán cõi nước thù thắng
Vi diệu khó nghĩ bàn
Công đức trang nghiêm khắp
Cõi Phật khác khó bằng.
Nhân phát tâm vô thượng
Nguyện mau chứng Bồ đề
Liền đó Phật Di Đà
Hiện thân vàng mĩm cười
Từ miệng phóng ánh sáng
Chiếu khắp cả mười phương
Thâu lại xoay quanh Phật
Ba vòng rồi vào đảnh.
Bồ tát thấy tướng này
Liền chứng vị bất thoái
Tất cả chúng trong hội,
Đều cùng nhau hoan hỷ.
Tiếng Phật như sấm dậy
Tám âm diễn giọng hay
Bồ tát mười phương đến
Ta đều biết nguyện ấy
Chí cầu cõi Tịnh độ
Thọ ký sẽ thành Phật.
Biết rõ tất cả pháp,
Như mộng huyễn, tiếng vang
Đầy đủ các đại nguyện
At thành cõi như thế.
Biết cõi như bào ảnh
Thường phát lời nguyện lớn
Rốt ráo đạo Bồ tát
Đầy đủ các công đức
Tu thắng hạnh Bồ đề
Thọ ký sẽ thành Phật.
Thông suốt tánh các pháp
Tất cả không, vô ngã
Chuyên cầu cõi Phật tịnh
Ắt thành tựu như thế
Nghe pháp vui nhận làm
Được đến nơi trong sạch
Ắt được Phật Di Đà
Thọ ký sẽ thành Phật
Cõi thù thắng vô biên
Đều do sức Phật nguyện
Nghe tên muốn vãng sanh,
Đều được không lui sụt,
Bồ tát phát chí nguyện
Nguyện cõi mình cũng vậy
Luôn nhớ độ tất cả
Được phát tâm Bồ đề
Bỏ thân luân hồi này
Đều được đến bờ kia.
Phụng thờ vạn ức Phật
Bay đi khắp các cõi
Cung kính hoan hỷ rồi
Trở về nước An Dưỡng.
CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY : Ca tụng tán thán công đức của Phật
Phật bảo A Nan :
- Các vị Bồ tát, ở cõi nước đó, nương sức oai thần, của đức Phật kia, trong khoảng bữa ăn, qua đến vô lượng, vô biên Tịnh độ, trong khắp mười phương, cúng dường chư Phật. Các món cúng dường, chư Phật Bồ tát, như là hương hoa, phướn lọng vi diệu, vừa nghĩ liền có, quý đẹp lạ thường, thế tục không có. Hoa rải trong không, hiệp lại thành một, tất cả hoa ấy, khi rơi xuống dưới, xếp thành vòng tròn, rồi biến thành lọng, trăm ngàn màu sắc, mỗi sắc mỗi hương, hương thơm xông khắp. Lọng hoa nhỏ nhất, cũng mười do tuần, rồi lớn dần lên, cho đến đầy cả, ba ngàn thế giới, cứ theo thứ tự, trước mất sau hiện. Nếu không hoa mới, lớp trước vẫn còn. Rồi trong hư không, cùng tấu âm nhạc, âm thanh vi diệu, ca tụng tán thán, công đức của Phật. Ở trong khoảnh khắc, các Bồ tát ấy, trở về nước mình, cũng tụ họp lại, ở đại giảng đường, lắng nghe đức Phật, Vô Lượng Thọ Quang, giảng nói đại pháp, tất cả vui vẻ, tâm đạt được đạo. Ngay trong khi đó, gió mát thổi vào, các cây bảy báu, phát ra năm loại, âm thanh vi diệu, vô lượng hoa đẹp, bay ra bốn phía, tự nhiên cúng dường, như thế không dứt. Tất cả chư Thiên, mỗi người mang theo, trăm ngàn hương hoa, vạn thứ âm nhạc, cúng dường đức Phật, và các đại chúng, Bồ tát Thanh Văn, lần lượt kéo đến, hớn hở vui mừng. Đó đều là do, bản nguyện của Phật, Vô Lượng Thọ Quang, gia trì công đức, cúng dường chư Phật, căn lành tương tục, không có khuyết giảm. Lại do vì họ, khéo léo tu tập, nhiếp thọ thành tựu, mà được như thế.
CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM : Thần thông và ánh sáng của Bồ tát.
Phật bảo A Nan :
- Các chúng Bồ tát, trong cõi nước đó, thấy suốt nghe thấu, các việc quá khứ, hiện tại, vị lai, ở khắp mười phương. Chư Thiên, loài người, côn trùng, tâm ý, thiện ác thế nào, miệng muốn nói gì, khi nào giải thoát, chứng đạo, vãng sanh, tất cả điều đó, các Bồ tát ấy, đều dự biết trước. Thanh Văn nước đó, thân có ánh sáng, chiếu xa một tầm. Ánh sáng Bồ tát, chiếu rọi rất xa, một trăm do tuần. Có hai Bồ tát, tôn quý bậc nhất, oai thần ánh sáng, của hai vị đó, chiếu khắp ba ngàn, đại thiên thế giới.
A Nan bạch Phật :
- Hai vị Bồ tát, danh hiệu là gì ?
Phật bảo A Nan :
- Tên hai vị ấy, là Quán Thế Âm, và Đại Thế Chí. Cả hai vị này, tu hạnh Bồ tát, ở cõi Ta bà, khi vãng sanh về, cõi nước Cực lạc, thường hầu thân cận, hai bên phải trái, đức Phật Di Đà. Nếu hai vị đó, muốn đến cõi khác, ở khắp mười phương, thì tùy tâm đến. Nay hai vị ấy, đang trụ cõi này, làm lợi chúng sanh. Nếu có thiện nam, hoặc tín nữ nào, ở tại thế gian, bị nạn khổ gấp, chỉ cần xưng niệm, Bồ tát Quán Âm, thì được giải thoát.
CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN: Sức thệ nguyện rộng sâu
Lại nữa A Nan, các vị Bồ tát, ở cõi nước đó, dù là hiện tại, hay ở vị lai, rốt ráo đều được, nhất sanh bổ xứ. Chỉ trừ người nào, có chí nguyện lớn, đi vào sanh tử, để độ chúng sanh, rống tiếng sư tử, mang giáp trụ dày, đội mũ Đại thừa, dùng sức công đức, thệ nguyền rộng lớn, để tự trang nghiêm. Tuy phải sanh vào, đời ác năm trược, thị hiện cũng giống, như một chúng sanh, đến khi thành Phật, cũng không bao giờ, rơi vào cõi ác. Dù sanh ở đâu, Bồ tát đều biết, kiếp trước của mình. Phật Vô Lượng Thọ, muốn độ chúng sanh, mười phương cõi nước, muốn cho chúng sanh, sanh về nước kia, nên khiến cho họ, chứng được Niết bàn, giáo hóa Bồ tát, chứng được quả Phật. Khi đã thành Phật, tiếp tục chỉ dạy, độ thoát chúng sanh. Lần lượt dạy dỗ, độ thoát như thế, không thể tính kể. Thanh Văn, Bồ tát, các loài chúng sanh, ở khắp mười phương, sanh về nước đó, chứng được Niết bàn, sẽ được thành Phật, số đó nhiều lắm, không thể kể hết.
Cõi nước Phật đó, thường hằng như một, không có tăng giảm. Vì sao như thế ? Ví như biển cả, là vua sông rạch, các dòng sông lớn, đều chảy về biển, mà nước biển ấy, nào có tăng giảm ? Vô số nước Phật, ở khắp mười phương, cõi Phật Di Đà, rộng lớn trường cửu, sáng suốt đẹp đẽ, an lạc hơn cả. Có được như thế, là bởi do Ngài, lúc làm Bồ tát, thề nguyện cầu đạo, tích lũy công đức, vô lượng vô biên. Phật A Di Đà, bố thí ân đức, khắp mười phương cõi, vô cùng sâu rộng, nói không thể hết.
CHƯƠNG BA MƯƠI : Sự tu trì của Bồ tát.
Lại nữa A Nan, tất cả Bồ tát, ở cõi
nước đó, thảy đều đầy đủ, thiền định trí huệ, thần thông oai đức, thông suốt rốt ráo, bí tạng của Phật, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, thâm nhập chánh huệ, không còn hoặc lậu, nương theo hạnh Phật, tu bảy giác chi, tám phần Thánh đạo. Thấu suốt năm nhãn, Chân đế Tục đế, Nhục nhãn phân biệt, Thiên nhãn thông đạt, Pháp nhãn trong sạch, Huệ nhãn thấy chân, Phật nhãn đầy đủ, giác ngộ pháp tánh. Có đủ biện tài, và sức tổng trì, tự tại vô ngại. Khéo thấu suốt được, vô biên phương tiện, nói lời thành thật, nghĩa lý sâu xa, độ thoát chúng sanh. Truyền bá chánh pháp, vô tướng vô vi, không buộc không thoát, không có phân biệt xa lìa điên đảo. Đối cảnh thọ dụng, các Bồ tát đó, đều không dính mắc, đi khắp nước Phật, không ưa không chán, không có mong cầu, hay tưởng mong cầu, cũng không có tưởng, ta người oán thù. Tại vì sao thế ? Các Bồ tát đó, đối với chúng sanh, có lòng từ bi, thích làm lợi ích, xa lìa tất cả, chấp trước điên đảo, thành tựu vô lượng, công đức trang nghiêm. Các Bồ tát đó, dùng huệ vô ngại, hiểu pháp như như, biết rõ Tập Diệt, phương tiện âm thanh, nhưng không ưa thích, ngôn ngữ thế tục, ham thích chánh luận, biết được tất cả, pháp đều vắng lặng. Sanh thân phiền não, cả hai đều hết. Các Bồ tát đó, ở trong ba cõi, bình đẳng siêng tu, rốt ráo nhất thừa, đến bờ tuyệt đối, dứt sạch lưới nghi, chứng vô sở đắc, dùng trí phương tiện, tăng trưởng thấy biết. Từ xưa tới nay, các Bồ tát đó, thảy đều an ổn, trụ trong thần thông, được đạo nhất thừa, không từ người khác.
CHƯƠNG BA MƯƠI MỐT : Công đức chân thật
Trí huệ Bồ tát, rộng sâu như biển, sự giác ngộ cao, hơn đỉnh Tu di. Tự thân chiếu sáng, hơn cả nhật nguyệt. Tâm trong sáng sạch, cũng như núi tuyết. Nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng. Trong sạch như nước, tẩy rửa bụi dơ, rực sáng như lửa, đốt cũi phiền não, không dính như gió, không bị chướng ngại. Tiếng pháp như sấm, thức tỉnh người mê, mưa pháp cam lồ, nhuần thấm chúng sanh. Tâm như hư không, lòng từ bình đẳng. Họ như hoa sen, trong sạch không nhiễm, như cây Ni-câu, che mát khắp cả, như chày Kim cang, đập nát tà chấp, như núi Thiết vi, chúng ma ngoại đạo, không thể lay động. Tâm họ ngay thẳng, quyết định khéo léo, bàn luận chánh pháp, không hề nhàm chán, cầu pháp không mỏi, giới như lưu ly, trong ngoài sáng sạch. Các Bồ tát đó, có nói điều gì, cũng khiến đại chúng, vui vẻ tuân phục. Đánh trống pháp lớn, dựng cao cờ pháp, các Ngài rực sáng, mặt trời trí huệ, chiếu phá tối ngu. Trong sạch ôn hòa, thiền định minh sát, làm bậc Đạo sư, điều phục mình người, dẫn dắt chúng sanh, bỏ các ái trước, xa lìa ba cấu, du hí thần thông, nhờ nơi nguyện lực, sanh ra căn lành, hàng phục quân ma. Kính thờ chư Phật, làm ngọn đèn sáng, phước điền tối thượng, ban sự kiết tường cho các chúng sanh, kham nhận cúng dường, hân hoan vui vẻ, dũng mãnh không sợ. Tướng quý vẻ đẹp, công đức biện tài, của các Bồ tát, trang nghiêm đầy đủ, không ai sánh bằng. Các Bồ tát này, thường được Phật khen, đạt được rốt ráo, các Ba la mật, mà thường an trụ, nơi Tam-ma-địa, chẳng sanh chẳng diệt, đi khắp đạo tràng, xa cảnh nhị thừa.
Lại này A Nan, nay ta nói lược, công đức chân thật, của các Bồ tát, ở nước Cực lạc. Nếu nói rộng ra, thì dù trải qua, trăm ngàn vạn kiếp, cũng không thể hết.
CHƯƠNG BA MƯƠI HAI: Tuổi thọ và sự an lạc vô cùng
Bấy giờ Phật bảo, Bồ tát Di Lặc :
Trí huệ công đức, của hàng trời người, Thanh Văn Bồ tát, ở nước Cực lạc, của Phật Di Đà, không thể nói hết. Nước đó nhiệm màu, an lạc vi diệu, thanh tịnh như thế. Tại sao chúng sanh, ở cõi nước này, không gắng tu thiện, niệm đạo tự nhiên, ra vào cúng dường, xem kinh hành đạo, vui thích tập theo, trí huệ sắc bén, tâm không thối đọa, ý không giải đãi. Bên ngoài chậm chạp, bên trong gấp rút, đồng với hư không, thích hợp trung đạo. Trong ngoài tương ưng, tự nhiên nghiêm chỉnh, kiểm điểm ngay ngắn, thân tâm trong sạch, không còn tham ái, chí nguyện an định, không tăng không giảm, cầu đạo hòa chánh, không bị điên đảo. Hành theo kinh điển, không dám sai sót, như cưa theo mực. Vì mến mộ đạo, tâm không vọng niệm, không có lo âu, tự nhiên vô vi, rổng rang không chấp, đạm bạc không dục. Phát được thiện nghiệp, hết lòng mong cầu, thương xót chúng sanh, lễ hiệp với nghĩa, sự lý viên dung, vượt thoát sanh tử, tự nhiên giữ gìn, chân thật trong sáng, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc. Đến một mai kia, tâm mở sáng suốt, ở trong tự nhiên, có tự nhiên tướng, căn bản tự nhiên, tự có ánh sáng, hồi quang chuyển biến, thành ra tối thắng. Cõi Uất-đơn-việt, trở thành bảy báu, biến hiện vạn vật, ánh sáng chói ngời, phát ra tốt đẹp, không dính trên dưới, rỗng không giới hạn. Mỗi người siêng năng, nổ lực cầu đạo, ắt được siêu việt. Sau sẽ vãng sanh, qua cõi Tịnh độ, của Phật Di Đà, dứt ngang năm đường, lấp kín cõi ác. Thắng đạo vô cực, dễ được vãng sanh, nhưng không người cầu. Nước không nghịch cảnh, tự nhiên tùy thuận, tâm chí lặng lẽ, rộng như hư không, siêng cầu đạo đức, để được sống lâu, thọ mạng vô tận. Tại sao cứ mãi, đắm việc thế gian, vô vàn lo lắng ?
CHƯƠNG BA MƯƠI BA : Khuyến dụ sách tấn
Người đời cùng tranh, những chuyện không đâu. Ở chốn đau khổ, quá cùng cực này, gắng làm kiếm sống. Quý tiện nghèo giàu, lớn nhỏ nam nữ, bị tâm sai sử quá nhiều lo lắng. Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, quyến thuộc tài sản, có không cũng lo; được một thiếu một, lo cho bằng người, vừa được chút ít, lại càng lo hơn, lửa cháy nước trôi, trộm cắp kẻ thù, cướp chiếm tài sản. Tâm bền chí vững, chấp chặt không buông, một khi chết đi, bỏ lại tất cả, không mang theo được. Giàu cũng như nghèo, đau khổ lo âu, có trăm ngàn mối. Người trong thế gian, cha con anh em, vợ chồng thân thuộc, phải kính yêu nhau, không nên ganh ghét, giúp đỡ lẫn nhau, không được tham tiếc. Lời nói sắc mặt, thường phải ôn hoà, không được chống trái. Nếu có xích mích, tâm sanh giận hờn, thì qua đời sau, chuyển thành đại oán. Thử xem việc đời, càng thêm họa hại, dù không đến kề, phải nghĩ lìa xa. Người trong ái dục, sống chết một mình, đến đi riêng lẽ, khổ vui tự nhận, không ai thay cho. Quả báo thiện ác, nhanh chóng đổi thay, dẫu đi khác lối, gặp gỡ bất kỳ. Lúc còn mạnh khỏe, sao không cố gắng, tu tập thiện nghiệp, còn đợi lúc nào ?
Người đời thiện ác, không tự thấy được, cát hung hoạ phước, tranh nhau gây tạo, thân ngu tâm tối, chạy theo đạo tà, càng thêm điên đảo, căn bản vô thường, mênh mông mờ mịt. Không tin kinh pháp, tâm không lo xa, chỉ thích hưởng thụ, mê muội sân giận, tham đắm sắc tài, không hề thôi dứt. Than ôi, đáng thương ! Người trước hung ác, không biết đạo đức, không ai nói cho, lún sâu đường khổ, đâu có lạ gì ! Con đường sanh tử, lý lẽ thiện ác, họ không chịu tin, cho là không có. Hãy tự nhìn nhau, rồi tự khắc biết, hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em vợ chồng, thương khóc lẫn nhau. Một chết một sống, quyến luyến lẫn nhau, ân ái ràng buộc, không mong giải thoát. Lún sâu ân huệ, không lìa dục tình. Họ không thể nào, nghĩ sâu nhớ kỹ, nỗ lực hành đạo, đến khi mạng hết, thì biết làm sao ! Người lầm đạo nhiều, người hiểu đạo ít. Mỗi người như thế, ôm lòng độc hại, ác khí mịt mù, làm việc càn quấy, chống trái đất trời, tha hồ tạo tội, tổn giảm thọ mạng. Sau khi chết rồi, đọa ba đường ác, không mong thoát khỏi. Các ông phải nên, suy nghĩ chín chắn, bỏ các việc ác, làm các việc thiện, siêng năng hành đạo. Ái dục vinh hoa, không thể mãi còn, đều phải lánh xa, không đáng ham thích. Phải siêng tinh tấn, nguyện sanh Cực lạc, trí huệ sáng suốt, công đức thù thắng, chớ theo ý mình, chê bai kinh luật, phải chịu sau người.
CHƯƠNG BA MƯƠI BỐN : Tâm được khai mở, sáng suốt.
Di Lặc bạch Phật :
- Lời Phật dạy bảo, rất sâu rất thiện, chúng con đều nhờ, từ ân của Ngài, giải thoát ưu khổ. Phật là vua pháp, là Thánh của Thánh, ánh sáng chiếu khắp, là Thầy trời người. Chúng con gặp Phật, nghe được danh hiệu, Phật Vô Lượng Thọ, thảy đều vui mừng, tâm được mở tỏ.
Phật bảo Di Lặc :
Tôn kính đức Phật, là việc lành lớn, phải nên niệm Phật, dứt các hồ nghi, bỏ các ái dục, lấp các nguồn ác, dạo chơi ba cõi, không bị chướng ngại, chỉ dạy chánh đạo, độ người chưa độ. Các ông nên biết, chúng sanh mười phương, nhiều kiếp đến nay, xoay chuyển năm đường, khổ lo không dứt. Lúc sanh đã khổ, đến già cũng khổ, bệnh càng khổ nhiều, chết lại khổ hơn. Thân người hôi dơ, không gì đáng ưa. Phải nên quyết định, rửa sạch tâm dơ, nói làm trung tín, trong ngoài hợp nhau. Người phải tự độ, rồi mới độ người, chí tâm cầu nguyện, tích lũy căn lành. Tuy nhọc một đời, tinh tấn tu hành, nhưng thời gian ngắn, sẽ được sanh về, cõi nước Cực lạc, an lạc vô cùng, vĩnh viễn nhổ được, gốc khổ sanh tử, không còn khổ đau, sống trăm ngàn kiếp, tự tại tùy ý. Mỗi người phải nên, tinh tấn nguyện cầu, chớ có nghi ngờ, tự gây tội lỗi. Những người nghi ấy, sau sẽ sanh về, trong thành bảy báu, biên địa nước kia, trong năm trăm năm, chịu các khổ ách.
Di Lặc bạch rằng :
- Con xin vâng theo, lời dạy của Phật, siêng năng tu hành, không dám nghi ngờ.
CHƯƠNG BA MƯƠI LĂM : Cuộc đời dơ nhớp, nhiều khổ ác.
Phật bảo Di Lặc :
- Các ông có thể, ở cõi nước này, tâm ý đoan chánh, không làm điều ác, công đức thật lớn. Vì sao như thế ? Vì các cõi nước, của Phật mười phương, việc thiện thì nhiều, việc ác thì ít, chúng sanh dễ bảo. Còn thế giới này, có năm điều ác, rất là thống khổ. Ta nay thành Phật, ở tại cõi đây, cốt dạy chúng sanh, khiến bỏ năm ác, trừ năm điều khổ, khỏi năm nóng bức, hàng phục tâm ý, khiến giữ năm thiện, để được phước đức. Năm ác là gì ?
- Một là các loài, chúng sanh thế gian, thích làm điều ác, kẻ mạnh hiếp yếu, trở thành thù nghịch, cố tâm tàn sát, ăn nuốt lẫn nhau, không biết làm thiện. Đời sau phải chịu, mọi thứ hình phạt. Có kẻ nghèo cùng, ăn xin cô độc, đui điếc câm ngọng, si ác điên cuồng, đều do đời trước, không tin đạo đức, không chịu làm thiện. Có người lại được, tôn quý giàu sang, hiền minh trưởng giả, trí dũng tài cao, là do đời trước, từ hiếu tu thiện, tích đức mà thành. Ở trên thế gian, đầy dẫy việc này. Sau khi chết rồi, những chúng sanh đó, lại rơi vào cõi, tối tăm tái sanh, thay hình đổi dạng, hoặc vào địa ngục, hay loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít. Thí như thế gian, pháp luật hình phạt lao ngục khổ sở. Thần hồn tội nhân, tùy tội sanh về, tuổi thọ dài ngắn, theo nhau cùng sanh, đền trả lẫn nhau. Tội ác chưa hết, thì không rời được. Xoay vần trong đó, nhiều kiếp khó tránh, khó được giải thoát, đau khổ khôn cùng. Giữa khoảng trời đất, có việc như thế, báo ứng thiện ác, tuy không tức thời, nhưng không hề mất, khi đến thời kỳ, phải nhận quả báo.
- Hai là nhân dân, ở trong thế gian, không thuận luật pháp, xa xỉ dâm dục, kiêu mạn phóng túng. Trên không sáng suốt, lại không ngay thẳng, hại người oan uổng, giết kẻ trung lương, tâm miệng trái nhau, dối trá đa đoan. trong ngoài trên dưới, khinh khi không chừa. Sân hận ngu si, tham lợi riêng mình, giàu có tài sản, lợi hại hơn thua, kết thành thù oán, phá nhà mất thân, không nghĩ trước sau. Giàu thì keo kiệt, không muốn bố thí, vì tham quá nặng, tâm nhọc thân khổ. Nhưng đến cuối đời, chẳng đem được gì. Họa phước thiện ác, theo cùng mạng sống, hoặc ở chỗ sướng, hoặc vào biển khổ. Họ thấy người thiện, ganh ghét phỉ báng, không chịu hâm mộ. Thường có tâm trộm, muốn lấy của người, để nuôi sống mình, tiêu hết lấy tiếp. Khi chết thần thức, đọa vào cõi ác, nên có địa ngục, ngạ quỹ súc sanh. Chúng sanh xoay vần, nhiều kiếp trong đó, khổ não khó ra, không thể nói hết.
- Ba là người đời, nương nhau sống gởi, sống được bao lâu ! Những người bất lương, thân tâm bất chánh, có lòng tà ác, thường nhớ dâm dục, tâm đầy phiền muộn, nết tà hiển lộ, hao phí gia tài, vào việc phi pháp, những việc đáng làm, lại chẳng chịu làm. Họ tụ hội lại, kết thành bè đảng, đem binh đánh giết, cưỡng bức chiếm đoạt, tài sản kẻ khác, về nuôi vợ con, muốn hưởng dục riêng, mọi người chán ghét, tìm cách làm khổ. Tội ác như thế, người quỷ đều biết, thần minh ghi chép, chết vào đường ác, chịu khổ vô lượng, xoay vần trong đó, nhiều kiếp khó ra, khổ không nói hết.
- Bốn là người đời, không nhớ tu thiện, mà nói những lời, dối trá hai lưỡi, hung ác thêu dệt, ganh ghét người thiện, giết hại người hiền, bất hiếu mẹ cha, khinh khi thầy dạy, không tin bạn hữu, khó được thành thật. Tự tôn tự đại, khoe mình có đủ, đạo đức oai lực, khinh thường người khác, muốn người nể sợ, không tự hổ thẹn, khó giáo hoá được. Những hạng người này, thường hay kiêu mạn, ỷ vào đời trước, được phước hộ trì. Đời này làm ác, phước đức tiêu hết, tuổi thọ không còn, các ác bao vây. Tên tuổi của họ, thần minh ghi rõ, tội lỗi kéo lôi, không thể bỏ được. Đành phải bị đẩy, vào vạc dầu sôi, thân tâm tan nát, khổ cực biết bao
! Đến lúc đó rồi, hối hận không kịp.
- Năm là người đời, ỷ lại lười biếng, không chịu làm thiện, tu sửa thân mình. Cha mẹ dạy bảo, thì chống trái lại, coi như kẻ thù, không phải cha con, vong ân bội nghĩa, không chút báo đền. Họ chỉ phóng túng, đam mê tửu sắc, gây gổ xung đột, không biết tình người, vô nghĩa vô lễ, không thể can ngăn. Nhu cầu quyến thuộc, đầy đủ thiếu thốn, họ không đoái hoài, vong ân cha mẹ, vô nghĩa với thầy. Chỉ nghĩ riêng mình, không làm mảy thiện, không tin kinh pháp, của chư Phật dạy, không tin thiện ác, nhân quả sanh tử, muốn hại bậc Thánh, khuấy rối chúng tăng, ngu si tối tăm, cho là trí huệ, không biết sống chết, từ đâu đến đi. Họ không có lòng, nhân ái hiếu thuận, mà thích sống lâu. Cố công khuyên dạy, không lợi ích gì, vì tâm bít lấp, ý không khai mở. Khi sắp mạng chung, vừa sợ vừa lo, trước không tu thiện, gần chết ăn năn, thì sao cho kịp. Ở giữa trời đất, năm đường rõ ràng, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, thân mình chịu lấy, không ai thay thế. Còn người làm thiện, từ vui đến vui, từ sáng vào sáng. Riêng người làm ác, từ khổ đến khổ, từ tối đến tối, nào ai có biết. Chỉ Phật biết rõ, dạy bảo khai ngộ, người tin thì ít, vì thế cho nên, sanh tử không thôi, ác đạo không dứt. Những người như thế, khó nói hết được. Do đó tự nhiên, có ba cõi ác, khổ não vô lượng, xoay vần trong đó, đời đời kiếp kiếp, không lúc nào ra, khó thoát khỏi được, khổ không nói hết.
Những điều như thế, năm ác năm khổ, năm ngọn lửa đốt, như đám lửa lớn, thiêu cháy thân người. Nếu chịu tự mình, nhất tâm chế ngự, thân ngay ý chính, ngôn hạnh hiệp nhau, làm việc chí thành, chỉ làm điều thiện, không làm điều ác, bản thân độ thoát, được nhiều phước đức, được mạng sống lâu, của cõi Niết bàn. Đó là năm điều, thiện lớn trong đời.
CHƯƠNG BA MƯƠI SÁU : Lớp lớp khuyên dạy.
Phật bảo Di Lặc :
- Ta bảo các ông, về năm điều ác, năm điều thống khổ, năm lửa thiêu đốt, xoay vần sanh khởi, nếu người nào phạm, thì phải sa đoạ, vào ba đường ác. Hoặc ngay đời này, trước bị bệnh khổ, muốn sống không được, muốn chết không xong. Đại chúng nên biết, người đó khi chết, đọa vào Tam đồ, đau khổ sầu não, tự thiêu đốt mình. Oán thù gặp gỡ, rồi giết hại nhau, trước từ lỗi nhỏ, mà thành họa lớn. Đều do tham đắm, của cải sắc đẹp, chẳng chịu bố thí, chỉ muốn thỏa lòng, không kể phải quấy, bị si dục bức, tranh lợi riêng mình. Phú quý vinh hoa, thỏa thích nhất thời, không chịu nhẫn nhịn, không lo tu thiện. Oai thế không lâu, rồi sẽ mất hết, lưới trời giăng mở, tự nhiên hiển lộ, đau đáu kinh hoàng, lọt vào trong đó, xưa nay đều thế, đau khổ đáng thương.
Các ông được nghe, lời Phật dạy bảo, phải nghĩ kỹ càng, mỗi người tự giữ, suốt đời không lười. Tôn trọng bậc Thánh, kính mến người thiện, nhân từ bác ái, phải cầu giải thoát, nhổ sạch sanh tử, gốc của điều ác, thoát ba đường dữ, lo sợ thống khổ. Các ông làm thiện, điều nào bậc nhất ? Phải nên tự giữ thân mũi tai mắt, miệng lưỡi thẳng ngay. Thân tâm trong sạch, tương ưng với thiện, đừng theo thị dục, phạm các điều ác. Lời nói sắc mặt, phải hiện ôn hòa. Thân hành phải chuyên, động tác nhìn ngó, an định thong thả, đừng có hấp tấp, sau phải ăn năn, vì không xét kỹ, mất đi công phu.
CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY : Như người nghèo được của báu
- Các ông hãy nên, vun nhiều công đức, đừng phạm giới cấm, nhẫn nhục tinh tấn, từ bi chuyên nhất, trai giới trong sạch, một ngày một đêm, thì hơn ở cõi, Cực lạc làm thiện, suốt một trăm năm. Tại sao như thế ? Cõi nước Phật đó, tất cả dân chúng, đều chứa việc thiện, không có mảy ác. Cõi này tu thiện, trong mười ngày đêm, hơn ở cõi nước, chư Phật phương khác, làm thiện ngàn năm. Tại sao như thế ? Tại vì cõi nước, của chư Phật khác, phước đức tự nhiên, không nơi tạo ác. Chỉ thế gian này, thiện ít ác nhiều, uống đắng ăn độc, chưa từng ngừng nghĩ. Ta thương các ông, khổ tâm dạy bảo, trao cho kinh pháp, các ông phải cố, giữ gìn suy tư, thực hành tất cả. Nam nữ sang hèn, quyến thuộc bằng hữu, phải khuyên bảo nhau, phải kiểm soát nhau, hòa thuận vui vẻ, yêu thương từ hiếu. Nếu có lỗi lầm, phải tự ăn năn, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng trì kinh luật, giống như người nghèo, bắt được của báu, sửa lỗi lầm cũ, đổi mới đề phòng, những lỗi chưa có. Tẩy sạch tâm tư, cải đổi hành vi, tự nhiên cảm thông, nguyện ước thành tựu. Phật đi đến đâu, thành ấp tụ lạc, đều được giáo hóa, thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió đúng mùa, tai hoạ đều không, dịch bệnh chẳng có, nước thịnh dân an, binh đao chẳng dùng, tôn trọng nhân đức, chuyên làm lễ nghĩa. Nước không giặc cướp, dân không oan ức, mạnh không hiếp yếu, tất cả ấm no. Ta thương các ông, hơn mẹ thương con. Ta ở cõi này, chứng thành Phật quả, lấy thiện dẹp ác, dứt khổ sanh tử, khiến được năm đức, an ổn vô vi. Ta Niết bàn rồi, kinh đạo lần diệt, nhân dân dua nịnh, làm các việc ác, thì năm điều khổ, năm ngọn lửa đốt, càng nguy hơn trước. Các ông phải nên, khuyên răn lẫn nhau, làm đúng pháp Phật, không được trái phạm.
Bồ tát Di Lặc, chắp tay bạch Phật :
- Người đời khổ ác, nặng nề như thế, Phật đều xót thương, và độ thoát cho, chúng con xin vâng, theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.
CHƯƠNG BA MƯƠI TÁM : Đảnh lễ Phật, ánh sáng hiện ra.
Phật bảo A Nan :
- Các ông muốn thấy, Phật Vô Lượng Thọ, thanh tịnh bình đẳng, Bồ tát La Hán, và cõi nước đó, nên hướng về Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
A Nan liền từ, chỗ ngồi đứng dậy, quay mặt về Tây, chấp tay đảnh lễ, rồi bạch Phật rằng :
- Nay con nguyện được, thấy nước Cực lạc, và Phật Di Đà, phụng thờ cúng dường, trồng các căn lành.
Trong lúc đảnh lễ, A Nan bỗng thấy, Phật A Di Đà, dung nhan thù thắng, thân tướng cao lớn, vi diệu đoan nghiêm, như núi vàng ròng, vượt lên tất cả, trên các thế giới. A Nan lại nghe, chư Phật mười phương, xưng dương tán thán, đức Phật Di Đà, có nhiều công đức.
A Nan bạch rằng :
- Thế giới trong sạch, của đức Phật đó, thật chưa từng có. Con nguyện
vãng sanh, vào cõi nước ấy.
Đức Phật bảo rằng :
- Người sanh nước đó, đã từng gần
gũi, vô lượng chư Phật, trồng các công đức. Ông muốn sanh về, thì phải nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng.
Lúc đức Thế Tôn, nói lời đó rồi, Phật A Di Đà, liền từ bàn tay, phóng ra vô lượng, ánh sáng chiếu soi, khắp các cõi nước. Ngay lúc bấy giờ, các nước chư Phật, cũng đều hiện rõ, nhưng trong một tầm. Do nhờ ánh sáng, của Phật Di Đà, thù thắng trong sạch, nên ở cõi này, các núi lớn nhỏ, Hắc sơn Tuyết sơn, Kim cương Thiết vi . . . sông ngòi tùng lâm, cung điện trời người, tất cả cảnh giới, đều được thấy rõ. Như mặt trời mọc, ánh sáng chiếu soi, khắp cả thế gian, hang động tối tăm, cho đến địa ngục, đều được khai mở, đồng một màu sắc. Như gặp thủy tai, tất cả thế giới, muôn vật chìm ngập, mênh mông trắng xóa, chỉ thấy màu nước. Ánh sáng Phật kia, cũng giống như thế. Tất cả ánh sáng, Bồ tát Thanh Văn, đều bị ánh sáng, của Phật che mờ. Chúng trong pháp hội, trời rồng tám bộ, người và phi nhân, đều thấy các thứ, trang nghiêm thanh tịnh, của nước Cực lạc. Phật A Di Đà, ở trên tòa cao, oai đức vời vợi, tướng tốt chói sáng. Thanh Văn Bồ tát, cung kính vây quanh. Giống như núi chúa, vượt trên mặt biển, ánh sáng chiếu rực, trong sạch thẳng ngay, không có dơ uế, và loại dị hình, chỉ toàn là những, chất liệu quý báu, dùng để trang nghiêm. Trong đó Thánh
hiền, cùng nhau an trụ.
Bấy giờ A Nan, và chúng Bồ tát, đều rất vui mừng, hớn hở đảnh lễ, đầu chạm xuống đất, xưng niệm Nam Mô, A Di Đà Phật.
Chư Thiên nhân dân, các loài côn trùng, thấy ánh sáng này, bịnh khổ được lành. Tất cả sầu lo, đều được giải thoát, đều phát lòng từ, cố gắng tu thiện, mừng rỡ vui thích. Chuông khánh cầm sắt, không hầu nhạc khí, không đánh tự kêu, không trổi tự phát, năm thứ thanh âm. Chư Thiên nhân dân, trong cõi nước Phật, mỗi người cầm hoa, đi trong hư không, đến rải cúng dường. Bấy giờ phương Tây, ở cách rất xa, thế giới Ta bà, đến cả trăm ngàn, câu-chi-na cõi, nhờ thần lực Phật, như ở trước mặt. Như dùng thiên nhãn, thấy một tầm đất, kia thấy cõi nầy, cũng lại như vậy. Mọi người cũng thấy, thế giới Ta bà, có đấng đại giác, Thích Ca Mâu Ni hiện đang nói pháp, và các Tỳ kheo, cung kính vây quanh.
CHƯƠNG BA MƯƠI CHÍN : Bồ tát Từ Thị thuật lại điều mình trông thấy.
Bấy giờ đức Phật, bảo với A Nan ,
Bồ tát Từ Thị :
- Các ông có thấy, cõi nước Cực lạc, đầy những cung điện, lầu gác ao suối, rừng cây vi diệu, trang nghiêm hay không? Các ông có thấy, chư Thiên cõi Dục, cho đến chư Thiên, trời Sắc cứu
cánh, rải các hoa thơm, như mưa khắp cùng, cõi Phật đó không ?
A Nan bạch Phật :
- Vâng, con đã thấy.
- Ông có nghe Phật, Vô Lượng Thọ Quang, dùng đại âm thanh, thuyết pháp giáo hóa, các chúng sanh không?
- Vâng, con đã nghe.
Đức Phật lại nói :
- Các ông có thấy, chúng thuần thanh tịnh, ở cõi nước đó, đi trong hư không, cung điện theo cùng, không bị trở ngại, đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật, và niệm hiệu Phật, không hề gián đoạn, cũng như các chim, ở trong hư không, hót ra tiếng hay, đều do Phật đó, biến hóa ra không ?
Di-lặc thưa rằng :
- Như lời Phật nói, con đều đã thấy.
Phật hỏi Di Lặc :
- Những người nước kia, đều do thai sanh, ông có thấy không ?
Di Lặc trả lời :
- Bạch đức Thế Tôn, con thấy những người, nơi cõi nước đó, đang ở trong thai, như ở cung điện, của trời Dạ ma. Lại thấy chúng sanh, ngồi thế kiết già, trong thai hoa sen, tự nhiên hóa sanh. Do nhân duyên gì, mà nhân dân kia, có người thai sanh, có người hóa sanh ?
CHƯƠNG BỐN MƯƠI : Do nghi ngờ mà sanh ở vùng biên địa
Phật bảo Di Lặc :
- Nếu có chúng sanh, dùng tâm nghi ngờ, tu các công đức, nguyện sanh nước đó, không biết Phật trí, Bất tư nghì trí, Bất khả xứng trí, Đại thừa quảng trí, Vô đẳng vô luân, tối thượng thắng trí. Đối các trí này, nghi hoặc không tin, chỉ tin tội phước, mà tu căn lành, nguyện sanh nước đó. Lại có chúng sanh, chứa công đức lành, mong cầu Phật trí, Phổ biến Vô đẳng, oai đức quảng đại, Bất tư nghì trí, nhưng lại đối với, căn lành của mình, thì không tự tin, nên vãng sanh về, cõi thanh tịnh đó, ý chí do dự, tâm không chuyên nhất, nhưng do đời trước, niệm Phật liên tục, kết thành gốc thiện, nguyện được vãng sanh. Những hạng người này, vì nhân duyên đó, tuy cũng được sanh, nhưng không đến trước, Phật Vô Lượng Thọ, chỉ ở biên giới, trong thành bảy báu, của cõi nước kia. Phật không muốn thế, tâm họ hướng về, mà thân cảm nên.
Những chúng sanh này, tự nhiên thọ thân, trong hoa sen báu, nơi ao thất bảo, ăn uống khoái lạc, như trời Đao Lợi, chỉ ở trong thành, không ra khỏi được, nhà ở trên đất, không thể to nhỏ, theo ý mình muốn . Trải năm trăm năm, thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy được chúng, Bồ tát Thanh Văn. Người này trí huệ, không được sáng suốt, biết kinh pháp ít, tâm không mở tỏ, ý không vui vẻ, cho nên nơi đó, gọi là
thai sanh.
Lại có chúng sanh, hiểu tin trí Phật, là trí thù thắng, dứt bỏ nghi hoặc, tự tin căn lành, của chính mình có, tạo các công đức, chí tâm hồi hướng, đều được hóa sanh, trong hoa sen báu, ngồi thế kiết già, ở trong khoảnh khắc, thân tướng chói sáng, trí huệ công đức, như các Bồ tát, thành tựu đầy đủ.
Di Lặc nên biết, người hóa sanh kia, trí huệ thù thắng, còn người thai sanh, trong năm trăm năm, không thấy Tam bảo, không biết pháp thức, của các Bồ tát, không được tu tập, các công đức lành, không có nhân duyên, phụng thờ đức Phật, Vô Lượng Thọ Quang. Các ông nên biết, người này kiếp trước, không có trí huệ, lại thường nghi ngờ, nên mới như thế.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI MỐT : Phiền não hết, thấy được Phật.
Thí như nhà vua, Chuyển Luân Thánh Vương, có ngục bảy báu, vương tử bị tội, đem giam trong đó. Lầu gác cung điện, trướng gấm giường vàng, lan can cửa sổ, bàn ghế trang sức, bằng các châu báu. Ẩm thực y phục, cũng giống như vua, nhưng dùng khóa vàng, xích hai chân lại. Các vương tử nhỏ, thích việc ấy không ?
Di Lặc bạch Phật :
-Thưa Thế Tôn không.Vương tử bị nhốt, tâm không tự tại, dùng mọi phương tiện, để cầu thoát ra, nhờ các cận thần, tâu xin vua cha, không dám phạm nữa. Vua cha vui vẻ, mới được thả ra.
Phật bảo Di Lặc :
- Các chúng sanh đó, cũng lại như thế, nếu có nghi ngờ, mà cầu trí Phật, căn lành của mình, lại không tự tin, nghe được tên Phật, mà khởi lòng tin, nên tuy vãng sanh, ở trong hoa sen, không ra khỏi được. Ở trong thai hoa, tưởng như cung điện, như là vườn hoa. Tại sao như thế ? Nơi đó trong sạch, không có nhơ nhớp, nhưng năm trăm năm, không thấy Tam bảo, không được cúng dường, phụng thờ chư Phật, xa lánh tất cả, căn lành thù thắng, vì thế là khổ, nên không ưa thích. Nếu chúng sanh đó, biết được tội xưa, tự mình ăn năn, cầu ra khỏi đó. Khi tội lỗi hết, mới được ra khỏi, liền đến được chỗ, Phật Vô Lượng Thọ, dự nghe kinh pháp, rất lâu mới được, hiểu rõ hoan hỷ, mới được cúng dường, vô lượng chư Phật, tu tập công đức. Này A Dật Đa,
nên biết nghi ngờ, đối với Bồ tát, rất là tổn hại, mất đi lợi lớn. Do đó phải biết, nên thường hiểu rõ, tin tưởng trí huệ, vô thượng của Phật.
Di Lặc bạch Phật :
- Tại sao cõi này, có hạng chúng sanh, cũng tu pháp thiện, mà không
mong cầu, vãng sanh nước đó ?
Phật bảo Di Lặc:
- Hạng chúng sanh này, trí huệ kém cỏi, cho rằng Tây phương, không
bằng cõi trời, nên không cầu sanh.
Di Lặc bạch Phật :
- Hạng chúng sanh này, phân biệt lầm lẫn, không cầu vãng sanh, về cõi nước Phật, sao khỏi luân hồi ?
Phật bảo Di Lặc :
- Hạng chúng sanh đó, gieo trồng căn lành, không thể lìa tướng, không cầu trí Phật, say đắm thú vui, ở cõi thế tục, phước báo thế gian, tuy cũng tu phước, cầu quả trời người. Lúc có kết quả, đầy đủ tất cả, nhưng không thể ra, khỏi ngục ba cõi. Giả như cha mẹ, vợ con quyến thuộc, muốn cứu vớt họ, nhưng tà kiến mạnh, thường lôi kéo họ, ở trong luân hồi, không được tự tại. Các ông thấy đó, những người ngu si, không trồng căn lành, dùng trí thế tục, tăng thêm tâm tà, làm sao thoát khỏi, nạn lớn sanh tử.
Lại có chúng sanh, tuy trồng căn lành, tạo phước điền lớn, chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu khỏi luân hồi, nhưng không thể được. Dùng trí vô tướng, trồng các công đức, thân tâm trong sạch, xa lìa phân biệt, cầu sanh Tịnh độ, hướng đến đạo quả, giác ngộ của Phật, thì được sanh về, cõi nước chư Phật, vĩnh viễn giải thoát.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI HAI : Bồ tát vãng sanh.
Di Lặc bạch Phật :
- Thế giới Ta bà, và những cõi nước, của các Phật khác, Bồ tát bất thoái, sanh về Cực lạc, số ấy bao nhiêu ?
Phật bảo Di Lặc :
- Thế giới này có, bảy trăm hai mươi, ức vị Bồ tát, đã từng cúng dường, vô số chư Phật, trồng các công đức, sẽ được sanh về, cõi nước Phật đó. Bồ tát hạnh nhỏ, tu tập công đức, sẽ vãng sanh về, không thể kể hết. Không riêng Bồ tát, ở thế giới ta, mà các Bồ tát, ở các cõi nước, của chư Phật khác, cũng lại như thế. Từ cõi rất xa, của các đức Phật, mười tám câu chi, na-do-tha số, các Bồ tát lớn, cũng sanh về đó. Phương Đông phương Bắc, nước Phật Bửu Tạng, có chín mươi ức, Bồ tát bất thối, sanh về nước đó. Từ cõi nước của, Phật Vô Lượng Âm, cõi Phật Quang Minh, cõi Phật Long Thiên, cõi Phật Thắng Lực, cõi Phật Sư Tử, cõi Phật Ly Trần, cõi Phật Đức Thủ, cõi Phật Nhân Vương, cõi Phật Hoa Tràng, những vị Bồ tát, ở ngôi bất thoái, vãng sanh về đó, hoặc hai trăm ức, hoặc trăm ngàn ức, hoặc một vạn ức. Phật thứ mười hai, tên Vô Thượng Hoa, ở nơi nước đó, vô số Bồ tát, là bậc bất thoái, trí huệ dũng mãnh, đã từng cúng dường, vô số chư Phật, đầy đủ tinh tấn, hướng về nhất thừa, ở trong bảy ngày, tức được nhiếp thủ, trăm ngàn ức kiếp, các vị Bồ tát, tu pháp kiên cố, sẽ sanh nước đó. Phật thứ mười ba, tên là Vô Úy, Ngài có đệ tử, bảy trăm chín mươi, ức Bồ tát lớn, và Bồ tát nhỏ, các vị Tỳ kheo, không thể tính kể, được sanh về đó.
Danh hiệu chư Phật, và chúng Bồ tát, trong mười phương cõi, xưng dương khen ngợi, kiếp số không cùng.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI BA : Không phải Tiểu thừa
Phật bảo Từ Thị :
- Ông nay có thấy, các Bồ tát đó, được lợi nhiều không ? Nếu có những kẻ, thiện nam tín nữ, được nghe danh hiệu, Phật A Di Đà, khởi lên một niệm, vui vẻ ưa thích, quy y chiêm ngưỡng, như thuyết tu hành, phải biết người này, được lợi ích lớn, được các công đức, như đã nói trên, tâm không hạ liệt, cũng không cống cao, căn lành tăng trưởng. Ông nên biết rằng, người này không phải, là hạng Tiểu thừa, mà là Đại thừa, ở trong pháp ta, là đệ tử lớn. Do đó ta bảo, các chúng trời người, A Tu La thảy, nên ham tu tập, sanh tâm hy hữu. Đối kinh pháp này, nên khởi tưởng là, bậc đại Đạo sư, muốn cho chúng sanh, mau mau an trụ, trong quả bất thối, và cũng muốn thấy, cõi nước trang nghiêm, rộng lớn thù thắng, thu nhiếp chúng sanh. Người đủ công đức, nên khởi tinh tấn, nghe pháp môn này, do vì cầu pháp, mà không sanh tâm, lười biếng dua dối, dù vào lửa dữ, cũng không lui sụt. Tại vì sao thế ? Vô số Bồ tát, thảy đều mong cầu, pháp thượng diệu này, tôn trọng nghe nhận, không sanh chống trái. Có những Bồ tát, muốn nghe kinh này, mà chưa được nghe, do đó các ông, phải cầu pháp này.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI BỐN : Tiếp nhận sự thọ ký Bồ đề.
- Nếu ở tương lai, lúc pháp sắp diệt, có chúng sanh nào, trồng các căn lành, đã từng cúng dường, vô lượng chư Phật, do sức hộ trì, của đức Phật đó, mà được pháp môn, quá rộng lớn này, tiếp nhận thọ trì, chứng Nhứt thiết trí. Ở trong pháp đó, người ấy có được, hiểu biết rộng lớn, được nhiều vui vẻ, giảng giải cho người, thường thích tu hành. Các nam nữ nào, đối với pháp này, đã cầu đang cầu, sẽ cầu đều được, ích lợi rất lớn. Các ông phải nên, tin tưởng đừng nghi, trồng các căn lành, thường phải tu tập, đừng để nghi
trệ, mà thành tù ngục, trong núi châu báu.
Này A Dật Đa, thế nên những người, không oai đức lớn, thì không nghe được, pháp môn quý này. Vì không có thể, nghe được pháp này, một ức Bồ tát, phải bị lui sụt, đối với quả vị, Vô thượng Chánh giác.
Như chúng sanh nào, đối với kinh này, biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng, vì người giảng giải, dù trong chốc lát, khuyên người khác nghe, đừng sanh nghi ngờ, ngày đêm suy tư, về cõi nước đó, và các công đức, Phật A Di Đà, thì người đó sẽ, không bị lui sụt, đạo vô thượng nữa. Người đó lâm chung, giả sử tam thiên, đại thiên thế giới, đều tràn ngập lửa, cũng vượt qua được, mà sanh nước kia. Người này đã từng, gặp Phật quá khứ, đã được thọ ký, tất cả Như Lai, đều cùng khen ngợi. Vì thế chúng sanh, phải nên chuyên tâm, tiếp nhận tin tưởng, thọ trì đọc tụng, như thuyết mà hành.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI LĂM : Chỉ còn kinh này.
Ta nói kinh này, để chúng sanh thấy, Phật Vô Lượng Thọ, và nước Cực lạc, mà mong sanh về, chớ để sau khi, ta nhập Niết bàn, lại sanh nghi hoặc. Đến đời sau này, khi kinh đạo diệt, thương xót chúng sanh, ta dùng thần lực, giữ lại kinh này, trong một trăm năm. Nếu chúng sanh nào, gặp được kinh này, tùy theo ý muốn, đều được độ thoát. Như Lai ra đời, khó gặp khó thấy, các kinh của Phật, cũng khó thấy nghe. Gặp thiện tri thức, nghe pháp thực hành, cũng lại rất khó. Nếu gặp kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, không gì khó hơn. Nếu chúng sanh nào, nghe được tên Phật, tâm từ trong sạch, hớn hở vui mừng, cả mình rởn ốc, hoặc là bậc khóc, là do đời trước, từng tu Phật đạo, do đó không phải, là hạng phàm nhân. Nếu nghe tên Phật, mà sanh hồ nghi, nghe kinh pháp Phật, cũng không tin tưởng, thì chúng sanh đó, đến từ cõi ác, nạn trước chưa hết, chưa được độ thoát, thế nên tâm sanh, hoài nghi không tin.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI SÁU : Khuyên nên kiên trì tu hành
Phật bảo Di Lặc :
- Các pháp vô thượng, của các đức Phật, là pháp sâu xa, mười lực vô úy, vô ngại vô trước, cùng với các pháp, Ba-la-mật-đa, của hàng Bồ tát, không phải dễ gặp. Người nói được pháp, cũng khó mở bày, người nghe được pháp, tin tưởng kiên cố, cũng rất khó được. Ta nay như lý, tuyên thuyết pháp môn, vi diệu rộng lớn, tất cả chư Phật, đều đồng khen ngợi. Nay trao các ông, làm người hộ trì, mãi làm lợi ích, cho loài hữu tình, chớ để chúng sanh, phải đọa năm cõi, bị các khổ nạn. Các ông phải nên, siêng năng tu hành, theo lời ta dạy, phải hiếu với Phật, thường nhớ ân Thầy, làm cho pháp này, còn lâu ở đời, phải nên kiên trì, đừng để tiêu mất. Không được hư vọng, thêm bớt kinh pháp, thường niệm miên mật, mau chứng được đạo. Pháp ta như thế, ta đã nói xong, việc làm Như Lai, các ông phải nên, làm theo như vậy, tu những phước lành, cầu sanh Tịnh độ.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI BẢY : Có phước huệ mới được nghe.
Ngay lúc bấy giờ Thế Tôn nói kệ :
Nếu đời trước không tu phước huệ
Chánh pháp này sẽ chẳng được nghe
Nếu từng cúng dường chư Như Lai
Tức hay vui vẻ tin pháp này
Kiêu mạn, lười biếng và tà kiến
Khó tin Phật pháp rất nhiệm mầu
Ví như kẻ mù trong đêm tối
Không thể dẫn đường cho người khác
Chỉ người gặp Phật trồng căn lành
Cứu vớt thế gian mới tu được
Nghe xong thọ trì và biên chép
Đọc tụng giảng giải và cúng dường
Như thế nhất tâm cầu Tịnh độ
Quyết định sanh về nước Cực lạc
Giả sử lửa cháy cả đại thiên
Nhờ oai đức Phật đều thoát khỏi
Biển trí rộng sâu của Phật Đà
Chỉ Phật với Phật mới biết được
Thanh Văn ức kiếp suy trí Phật
Hết cả thần lực không lường được
Công đức của Phật, Phật tự biết
Chỉ có Thế Tôn mới chỉ dạy
Thân người khó được, Phật khó gặp
Tín huệ, nghe pháp khó càng khó
Nếu các hữu tình sắp thành Phật
Hạnh siêu Phổ Hiền đến bờ kia
Cho nên người trí biết rộng sâu
Đều phải tin ta lời như thật.
Diệu pháp như thế, may được nghe
Phải thường niệm Phật sanh hoan hỷ
Thọ trì, độ khắp chúng sanh tử
Phật nói người này chính bạn lành.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI TÁM : Nghe kinh được lợi ích
Bấy giờ đức Phật, nói kinh pháp này, trời người thế gian, có đến một vạn, hai ngàn do-tha, vạn ức chúng sanh, thoát ly phiền não, chứng được pháp nhãn, hoàn toàn trong sạch. Có hai mươi ức, chúng sanh chứng đắc, quả A Na Hàm; sáu ngàn tám trăm, đại Tỳ kheo chúng, hết các phiền não, tâm được giải thoát; đến bốn mươi ức, các vị Bồ tát, tâm không lui sụt, đối với quả vị, vô thượng Bồ đề, hồi hướng công đức, để tự trang nghiêm; hai mươi lăm ức, các loài chúng sanh, được bất thối nhẫn; bốn trăm vạn ức, số na-do-tha, trăm ngàn chúng sanh, phát tâm Bồ đề, trồng các căn lành, nguyện sanh Cực lạc, thấy Phật Di Đà, đều sẽ vãng sanh, về cõi Phật kia. Ở các nước khác, thứ lớp thành Phật, đồng một danh hiệu, Diệu Âm Như Lai.
Lại có chúng sanh, đang ở mười phương, cõi nước chư Phật, hoặc đời hiện tại, hoặc đời vị lai, thấy Phật Di Đà, mỗi phương đó có, tám vạn câu-chi, na-do- tha người, đều được thọ ký, pháp nhẫn thanh tịnh, thành Vô thượng giác. Các chúng sanh ấy, đều có nhân duyên, đời trước với Phật, hiệu A Di Đà, đều được vãng sanh, về nước Cực lạc.
Bấy giờ ba ngàn, đại thiên thế giới, chấn động sáu cách, đều hiển hiện ra, thần biến ít có, phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp mười phương. Chư Thiên trên không, trỗi các âm nhạc, phát ra những thứ, âm thanh vui vẻ. Cho đến chư Thiên, ở trời Sắc giới, thảy đều được nghe, khen chưa từng có. Vô số hoa đẹp, rơi xuống như mưa.
Tôn giả A Nan, Bồ tát Di Lặc, và các Bồ tát, Thanh Văn trời rồng, tám bộ quỷ thần, tất cả đại chúng, nghe lời Phật nói, thảy đều vui vẻ, tin nhận thực hành./.
A-Di-Đà-Phật, do bản kinh gốc từ fond VNI, nên khi chuyển mã có thể ít nhiều sai sót, thời gian hiện giờ chưa có, tôi sẽ chỉnh lại sau.
Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009
Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009
HỌC PHẬT LÀ SỰ HƯỞNG THỤ TỐI CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI- TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ. 學佛是人生最高的享受-淨空法師
净空法师法语:心行不相应,不能往生
TÂM VÀ VIỆC LÀM KHÔNG NHƯ MỘT, KHÔNG THỂ VÃNG SANH
1 诸位总要记住,生死轮回是每况愈下,一世不如一世,一世比一世苦。怎么晓得?我们也不要想过去世,也不必考虑未来世,就想想这一生,你就会明白这个事实真相。
Chư vị hết thảy phải ghi nhớ, sanh tử luân hồi mỗi lúc càng tệ hơn, đời này đời khác không như nhau, đời sau so với đời trước khổ hơn. Làm sao biết được? Chúng ta cũng không cần tưởng đời trước, cũng chẳng suy gẫm đời sau, chính ngay đời này mà tưởng tượng, anh liền rõ ràng minh bạch hiểu được chân tướng sự thật.
2 我们在一生当中,起心动念待人接物,是善多还是恶多?如果一生当中,起的恶念多,看人不顺眼的多,顺眼的少,善念少,来生的果报当然是恶多于善、苦多于乐,一定的!
Chúng ta ngay tại cuộc đời này, khởi tâm động niệm đối người tiếp vật, là thiện nhiều hay là ác nhiều? Nếu như trong cuộc sống này, khởi lên ý tưởng ác nhiều, thấy người không vừa mắt thì nhiều, người vừa mắt thì ít, ý tưởng thiện ít, vậy quả báo đời sau đương nhiên là ác nhiều hơn thiện, khổ nhiều hơn sướng, nhất định rồi!
3 总要记住:心净则土净。接触外面社会,外面人事纷纷来扰乱,对我们来讲是很大的恩惠,为什么?我们在这个境界里面,时时刻刻考验自己功夫得不得力。
Tóm lại cần ghi nhớ: Tâm tịnh ắt cảnh giới tịnh. Tiếp xúc với xã hội bên ngoài, việc bên ngoài con người ta phần nhiều là nhiễu loại, đối với chúng ta mà nói thật quá nhiều may mắn, tại vì sao? Chúng ta ở trong cái cảnh giới này, thời thời khắc khắc kiểm chứng công phu của bản thân là đắc lực hay không.
4 你六根接触外面的境界,心里生烦恼,功夫不得力,那是菩萨,那是老师,他来告诉你:你不行,功夫不得力!
Anh sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, trong tâm sinh phiền não, công phu không đắc lực, đó là Bồ-Tát, là Sư phụ, họ đến nói với anh: con không có thực hành, công phu không đắc lực!
5 面对这些人与事,不着相、不动心,很清净,那他就告诉你:你的功夫得力了。所谓“历事练心”,在一切境界当中去练,练什么?练自己的清净心,练自己的平等心。练这个,这就叫真修行。
Đối mặt với mọi người mọi sự, không vướng mắc vào hình tướng, tâm không động, rất thanh tịnh, đó là họ nói với anh: Công phu của con đắc lực rồi. Chỗ nói: “trãi việc luyện tâm”, là ở ngay nơi tất cả cảnh giới mà rèn luyện, rèn luyện những gì? Rèn luyện tâm thanh tịnh của mình, rèn luyện tâm bình đẳng của mình. Luyện những thứ này, đây chính gọi là chân chánh tu hành.
6 一个念佛人,如果不修清净平等觉,就跟西方极乐世界不相应。心行不相应,念佛念得再多,都不能往生。
Một người niệm Phật, nếu như không tu THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC, chính là cùng với cảnh Tây phương Cực lạc thế giới không tương ứng. Tâm hạnh không tương ứng, niệm Phật có được cho nhiều, đều không thể vãng sanh.
7 你天天拜佛,身礼佛,口念佛,心想佛,这不错了,样子做得不错,可是你的心里面欲望没断,是非人我没断,贪嗔痴慢没断,处事待人接物还用一个虚假心,就不能往生。
Anh ngày ngày bái Phật, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, đây là không sai, giống
như là làm không sai, nhưng mà trong tâm anh dục vọng không dứt trừ, thị phi nhân ngã chẳng đoạn, tham sân si không dứt đoạn, đối người tiếp vật sự việc bên ngoài còn sử dụng cái tâm hư giả này, thì không thể vãng sanh được.
8 如果你的心真诚、心清净,你不信佛,你也不念佛,你决定不堕三恶道,你来生享人天福报;如果遇到佛法,一念、十念就能往生,为什么?本钱够了。本钱是什么?真诚心、清净心、平等心。
Nếu tâm của anh chân thành, tâm thanh tịnh, anh không tin Phật, anh cũng không niệm Phật, anh quyết định không rơi và 3 cõi ác, anh đời sau hưởng phước báo cõi trời cõi người; như nếu anh gặp được Phật pháp, một niệm, mười niệm liền có thể vãng sanh, tại làm sao? Tiền vốn đủ rồi. Tiền vốn là thứ gì? Là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng.
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
净空法师法语:心行不相应,不能往生
TÂM VÀ VIỆC LÀM KHÔNG NHƯ MỘT, KHÔNG THỂ VÃNG SANH
1 诸位总要记住,生死轮回是每况愈下,一世不如一世,一世比一世苦。怎么晓得?我们也不要想过去世,也不必考虑未来世,就想想这一生,你就会明白这个事实真相。
Chư vị hết thảy phải ghi nhớ, sanh tử luân hồi mỗi lúc càng tệ hơn, đời này đời khác không như nhau, đời sau so với đời trước khổ hơn. Làm sao biết được? Chúng ta cũng không cần tưởng đời trước, cũng chẳng suy gẫm đời sau, chính ngay đời này mà tưởng tượng, anh liền rõ ràng minh bạch hiểu được chân tướng sự thật.
2 我们在一生当中,起心动念待人接物,是善多还是恶多?如果一生当中,起的恶念多,看人不顺眼的多,顺眼的少,善念少,来生的果报当然是恶多于善、苦多于乐,一定的!
Chúng ta ngay tại cuộc đời này, khởi tâm động niệm đối người tiếp vật, là thiện nhiều hay là ác nhiều? Nếu như trong cuộc sống này, khởi lên ý tưởng ác nhiều, thấy người không vừa mắt thì nhiều, người vừa mắt thì ít, ý tưởng thiện ít, vậy quả báo đời sau đương nhiên là ác nhiều hơn thiện, khổ nhiều hơn sướng, nhất định rồi!
3 总要记住:心净则土净。接触外面社会,外面人事纷纷来扰乱,对我们来讲是很大的恩惠,为什么?我们在这个境界里面,时时刻刻考验自己功夫得不得力。
Tóm lại cần ghi nhớ: Tâm tịnh ắt cảnh giới tịnh. Tiếp xúc với xã hội bên ngoài, việc bên ngoài con người ta phần nhiều là nhiễu loại, đối với chúng ta mà nói thật quá nhiều may mắn, tại vì sao? Chúng ta ở trong cái cảnh giới này, thời thời khắc khắc kiểm chứng công phu của bản thân là đắc lực hay không.
4 你六根接触外面的境界,心里生烦恼,功夫不得力,那是菩萨,那是老师,他来告诉你:你不行,功夫不得力!
Anh sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, trong tâm sinh phiền não, công phu không đắc lực, đó là Bồ-Tát, là Sư phụ, họ đến nói với anh: con không có thực hành, công phu không đắc lực!
5 面对这些人与事,不着相、不动心,很清净,那他就告诉你:你的功夫得力了。所谓“历事练心”,在一切境界当中去练,练什么?练自己的清净心,练自己的平等心。练这个,这就叫真修行。
Đối mặt với mọi người mọi sự, không vướng mắc vào hình tướng, tâm không động, rất thanh tịnh, đó là họ nói với anh: Công phu của con đắc lực rồi. Chỗ nói: “trãi việc luyện tâm”, là ở ngay nơi tất cả cảnh giới mà rèn luyện, rèn luyện những gì? Rèn luyện tâm thanh tịnh của mình, rèn luyện tâm bình đẳng của mình. Luyện những thứ này, đây chính gọi là chân chánh tu hành.
6 一个念佛人,如果不修清净平等觉,就跟西方极乐世界不相应。心行不相应,念佛念得再多,都不能往生。
Một người niệm Phật, nếu như không tu THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC, chính là cùng với cảnh Tây phương Cực lạc thế giới không tương ứng. Tâm hạnh không tương ứng, niệm Phật có được cho nhiều, đều không thể vãng sanh.
7 你天天拜佛,身礼佛,口念佛,心想佛,这不错了,样子做得不错,可是你的心里面欲望没断,是非人我没断,贪嗔痴慢没断,处事待人接物还用一个虚假心,就不能往生。
Anh ngày ngày bái Phật, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, đây là không sai, giống
như là làm không sai, nhưng mà trong tâm anh dục vọng không dứt trừ, thị phi nhân ngã chẳng đoạn, tham sân si không dứt đoạn, đối người tiếp vật sự việc bên ngoài còn sử dụng cái tâm hư giả này, thì không thể vãng sanh được.
8 如果你的心真诚、心清净,你不信佛,你也不念佛,你决定不堕三恶道,你来生享人天福报;如果遇到佛法,一念、十念就能往生,为什么?本钱够了。本钱是什么?真诚心、清净心、平等心。
Nếu tâm của anh chân thành, tâm thanh tịnh, anh không tin Phật, anh cũng không niệm Phật, anh quyết định không rơi và 3 cõi ác, anh đời sau hưởng phước báo cõi trời cõi người; như nếu anh gặp được Phật pháp, một niệm, mười niệm liền có thể vãng sanh, tại làm sao? Tiền vốn đủ rồi. Tiền vốn là thứ gì? Là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng.
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ PHÁP NGỮ (01-08-2009)
HỌC PHẬT LÀ SỰ HƯỞNG THỤ TỐI CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI- TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ. 學佛是人生最高的享受-淨空法師
净空法师法语:念佛要怎么念?NIỆM PHẬT PHẢI NIỆM NHƯ THẾ NÀO
1 我们在讲席里,常常提醒同修们,念佛要把烦恼念掉,要把习气念掉,六根接触六尘境界,这个心才动,就一句阿弥陀佛,把那个念头压下去,这叫功夫。
Chúng tôi tại trong các pháp hội giảng kinh, thường thường nói rõ với các bạn đồng tu, niệm Phật cần phải buông rơi niệm phiền não, cần phải đem cái niệm của tập khí buông rơi xuống, lục căn tiếp xúc lục trần, vừa lúc mới khởi tâm động niệm, liền đem một câu A-Di-Đà-Phật, để đè ép cái niệm khi nãy xuống, đây gọi là công phu.
2 一面念佛,一面打妄想,那有什么用处?那就是古德讲“口念弥陀心散乱,喊破喉咙也枉然”。所以念佛的目的,《弥陀经》上讲得很好,“一心不乱”。
Một mặt niệm Phật, một mặt cứ vọng tưởng, như thế thì ứng dụng được gì? Đó chính là chỗ Cổ đức đã nói: “Miệng niệm Di-Đà tâm tán loạn, thét bể cổ họng cũng uổng công”. Cho nên trong phần niệm Phật của “Di-Đà-Kinh” trước đã nêu được rất rõ, “nhất tâm bất loạn”.
3 一心不乱就是清净心现前,然后才能真正懂得古人所讲的“心净则土净”。心地清净,这是决定得生净土的条件。
Nhất tâm bất loạn chính là tâm thanh tịnh hiện tiền, vậy sau mới chân chánh hiểu được lời Cổ đức đã nói: “Tâm tịnh tất cảnh giới tịnh”. Cõi lòng thanh tịnh, đây là điều kiện quyết định sanh về Tịnh độ.
4 这个法门没有别的诀窍,就像大经里面所说的,“发菩提心,一向专念”,《弥陀经》里面所讲的“一心不乱、心不颠倒”,你只要真正能照这样做,就决定成功,所以说非常非常地重要。
Pháp môn này không có bí quyết gì xa lạ, chính là y nơi trong kinh chỗ nói, “phát tâm Bồ-Đề, chuyên niệm một đường”, là chính trong kinh Di-Đà đã nói: “nhất tâm bất loạn, tâm không loạn động”, anh chỉ cần chân chánh y theo cách này mà làm, thì quyết định thành công, cho nên nói vô cùng vô cùng quan trọng.
5 我们必须要记住,西方极乐世界是“诸上善人俱会一处”,我们的心善、行善、念头善,这就是深信切愿,这就是发菩提心。奉行六波罗蜜,这是善的标准,如果我们的心不善、念头不善、行不善,纵然一天念十万声佛号也不能往生,只是跟阿弥陀佛结一个缘而已。
Chúng ta tất nên cần phải ghi nhớ, Tây phương Cực lạc thế giới là “các bậc thượng thiện cùng ở một nơi”, tâm của chúng ta thiện, làm việc thiện, nghĩ nhớ thiện, đây chính là thâm tín thiết nguyện, chính là phát tâm Bồ-Đề. Vâng làm theo lục Ba-la-mật, đây là tiêu chuẩn của thiện, nếu như tâm của chúng ta không thiện, nghĩ nhớ bất thiện, làm việc bất thiện, dầu cho mỗi ngày niệm mười vạn hiệu Phật cũng chẳng thể vãng sanh, chỉ là cùng với Đức Phật Di-Đà kết một ít nhân duyên mà thôi.
6 用清净心念佛,这个清净心就是一向专念,所以功夫得力不在于念佛念多少,你一天念十万声佛号,伏不住烦恼,不能得一心。如果你一天只修十念,你这十念得力,真能伏烦恼,那就不得了,那就是功夫。
Dùng tâm thanh tịnh niệm Phật, cái tâm thanh tịnh này chính là nhất hướng chuyên niệm, cho nên công phu đắc lực không ở chỗ niệm Phật được nhiều ít, anh mỗi ngày niệm mười vạn Phật hiệu, không điều phục được phiền não, không thể được nhất tâm. Nếu như anh mỗi ngày chỉ mười niệm, anh nơi mười niệm này được đắc lực, có thể điều phục được phiền não, thế còn chưa được sao, đó chính là công phu.
7 念佛要怎么念?我们中国的文字,是智慧的符号,“念”,上面是个今,下面是个心,“念”字的意思是现在的心,现在心上有佛,这叫念佛。不一定在口里头,口上有佛不管用,一定要心上有佛。
Niệm Phật phải niệm như thế nào? Văn tự Trung quốc của chúng ta, là biểu hiện của trí tuệ, chữ “niệm-念”, phía trên là chữ “kim-今”, bên dưới là một chữ “tâm-心”, ý của chữ “niệm-念” là tâm nơi hiện tại, trong tâm hiện tại có Phật, đây gọi là niệm Phật. Không nhất định niệm nơi cửa miệng, trên miệng có Phật không tác dụng, nhất định phải có Phật trong tâm.
8 心上有佛,行为当中有佛,生活当中有佛,工作当中有佛,处事待人接物当中都有佛,这才叫真正念佛人,这一种念佛,古大德所说,“万修万人去”。
Trong tâm có Phật, ngay nơi việc làm có Phật, ngay trong sinh hoạt có Phật, công tác có Phật, xử sự đối người tiếp vật nơi nào cũng có Phật, đây mới gọi là người niệm Phật chân chánh, niệm Phật cách thế này, là Cổ đức chỗ nói: “Vạn người tu, vạn người vãng sanh”.
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
净空法师法语:念佛要怎么念?NIỆM PHẬT PHẢI NIỆM NHƯ THẾ NÀO
1 我们在讲席里,常常提醒同修们,念佛要把烦恼念掉,要把习气念掉,六根接触六尘境界,这个心才动,就一句阿弥陀佛,把那个念头压下去,这叫功夫。
Chúng tôi tại trong các pháp hội giảng kinh, thường thường nói rõ với các bạn đồng tu, niệm Phật cần phải buông rơi niệm phiền não, cần phải đem cái niệm của tập khí buông rơi xuống, lục căn tiếp xúc lục trần, vừa lúc mới khởi tâm động niệm, liền đem một câu A-Di-Đà-Phật, để đè ép cái niệm khi nãy xuống, đây gọi là công phu.
2 一面念佛,一面打妄想,那有什么用处?那就是古德讲“口念弥陀心散乱,喊破喉咙也枉然”。所以念佛的目的,《弥陀经》上讲得很好,“一心不乱”。
Một mặt niệm Phật, một mặt cứ vọng tưởng, như thế thì ứng dụng được gì? Đó chính là chỗ Cổ đức đã nói: “Miệng niệm Di-Đà tâm tán loạn, thét bể cổ họng cũng uổng công”. Cho nên trong phần niệm Phật của “Di-Đà-Kinh” trước đã nêu được rất rõ, “nhất tâm bất loạn”.
3 一心不乱就是清净心现前,然后才能真正懂得古人所讲的“心净则土净”。心地清净,这是决定得生净土的条件。
Nhất tâm bất loạn chính là tâm thanh tịnh hiện tiền, vậy sau mới chân chánh hiểu được lời Cổ đức đã nói: “Tâm tịnh tất cảnh giới tịnh”. Cõi lòng thanh tịnh, đây là điều kiện quyết định sanh về Tịnh độ.
4 这个法门没有别的诀窍,就像大经里面所说的,“发菩提心,一向专念”,《弥陀经》里面所讲的“一心不乱、心不颠倒”,你只要真正能照这样做,就决定成功,所以说非常非常地重要。
Pháp môn này không có bí quyết gì xa lạ, chính là y nơi trong kinh chỗ nói, “phát tâm Bồ-Đề, chuyên niệm một đường”, là chính trong kinh Di-Đà đã nói: “nhất tâm bất loạn, tâm không loạn động”, anh chỉ cần chân chánh y theo cách này mà làm, thì quyết định thành công, cho nên nói vô cùng vô cùng quan trọng.
5 我们必须要记住,西方极乐世界是“诸上善人俱会一处”,我们的心善、行善、念头善,这就是深信切愿,这就是发菩提心。奉行六波罗蜜,这是善的标准,如果我们的心不善、念头不善、行不善,纵然一天念十万声佛号也不能往生,只是跟阿弥陀佛结一个缘而已。
Chúng ta tất nên cần phải ghi nhớ, Tây phương Cực lạc thế giới là “các bậc thượng thiện cùng ở một nơi”, tâm của chúng ta thiện, làm việc thiện, nghĩ nhớ thiện, đây chính là thâm tín thiết nguyện, chính là phát tâm Bồ-Đề. Vâng làm theo lục Ba-la-mật, đây là tiêu chuẩn của thiện, nếu như tâm của chúng ta không thiện, nghĩ nhớ bất thiện, làm việc bất thiện, dầu cho mỗi ngày niệm mười vạn hiệu Phật cũng chẳng thể vãng sanh, chỉ là cùng với Đức Phật Di-Đà kết một ít nhân duyên mà thôi.
6 用清净心念佛,这个清净心就是一向专念,所以功夫得力不在于念佛念多少,你一天念十万声佛号,伏不住烦恼,不能得一心。如果你一天只修十念,你这十念得力,真能伏烦恼,那就不得了,那就是功夫。
Dùng tâm thanh tịnh niệm Phật, cái tâm thanh tịnh này chính là nhất hướng chuyên niệm, cho nên công phu đắc lực không ở chỗ niệm Phật được nhiều ít, anh mỗi ngày niệm mười vạn Phật hiệu, không điều phục được phiền não, không thể được nhất tâm. Nếu như anh mỗi ngày chỉ mười niệm, anh nơi mười niệm này được đắc lực, có thể điều phục được phiền não, thế còn chưa được sao, đó chính là công phu.
7 念佛要怎么念?我们中国的文字,是智慧的符号,“念”,上面是个今,下面是个心,“念”字的意思是现在的心,现在心上有佛,这叫念佛。不一定在口里头,口上有佛不管用,一定要心上有佛。
Niệm Phật phải niệm như thế nào? Văn tự Trung quốc của chúng ta, là biểu hiện của trí tuệ, chữ “niệm-念”, phía trên là chữ “kim-今”, bên dưới là một chữ “tâm-心”, ý của chữ “niệm-念” là tâm nơi hiện tại, trong tâm hiện tại có Phật, đây gọi là niệm Phật. Không nhất định niệm nơi cửa miệng, trên miệng có Phật không tác dụng, nhất định phải có Phật trong tâm.
8 心上有佛,行为当中有佛,生活当中有佛,工作当中有佛,处事待人接物当中都有佛,这才叫真正念佛人,这一种念佛,古大德所说,“万修万人去”。
Trong tâm có Phật, ngay nơi việc làm có Phật, ngay trong sinh hoạt có Phật, công tác có Phật, xử sự đối người tiếp vật nơi nào cũng có Phật, đây mới gọi là người niệm Phật chân chánh, niệm Phật cách thế này, là Cổ đức chỗ nói: “Vạn người tu, vạn người vãng sanh”.
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ PHÁP NGỮ (27-07-2009)
HỌC PHẬT LÀ SỰ HƯỞNG THỤ TỐI CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI- TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ. 學佛是人生最高的享受-淨空法師
NIỆM PHẬT CẦU SANH TỊNH ĐỘ LÀ VIỆC LÀM VÔ CÙNG TÍCH CỰC.
净空法师法语:念佛求生净土,是最积极的行为
1 我们念佛人要自觉觉他,内能够把烦恼放下,外面把世缘尽量地减少。所谓随缘而不攀缘,多一事不如少一事,少一事不如无事,人家也许看到我们这很消极,这个不妨碍。
Chúng ta những người niệm Phật cần phải tự giác, giác tha, trong thì có thể đem phiền não mà buông xuống, ngoài đem hết thảy mọi việc đời giảm thiểu đến mức tối đa. Cho nên, tuỳ duyên nhưng không phan duyên, thêm một việc không bằng bớt một việc, bớt một việc không bằng vô sự, người ta hẳn sẽ cho rằng chúng ta thế này rất tiêu cực, việc đó chẳng phương ngại.
2 他说我消极,我就消极,咱们好好地把这个时间拿来念佛。等我们这个佛念好了,纵然灾难来了,我们决定不受这个灾难,那个时候才晓得,我们的消极的确有很多好处。
Họ nói mình tiêu cực, mình liền tiêu cực, chúng ta khéo khéo dành hết thảy thời gian niệm Phật. Đợi khi chúng ta niệm Phật được tốt rồi, bất chợt nạn tai có đến, chúng ta liền nhất định không nhận lấy nạn tai này, đến lúc đó mới hiểu được, cái tiêu cực của chúng ta xác thực rất ư là thuận lợi.
3 对于世缘要消极,对于念佛要积极。我们念佛,要真正地发愿,愿生西方净土。我们今天发愿,就是为救度一切众生求生净土的。
Đối với việc đời cần phải tiêu cực, đối với việc niệm Phật cần phải tích cực. Chúng ta niệm Phật, phải nên chân chánh phát nguyện, nguyện sanh Tây phương tịnh độ. Chúng ta ngày nay phát nguyện, chính là vì cứu độ hết thảy chúng sinh mà cầu sanh tịnh độ vậy.
4 念佛往生的人,是最积极的!有很多人认为念佛是自了汉,好像是消极,不值得学习,那是他看错了。我们为什么到西方极乐世界?为救度一切众生。
Người niệm Phật vãng sanh, là người vô cùng tích cực! Có nhiều người cho rằng niệm Phật là không phải hảo hán, có vẻ tiêu cực, không đáng để học, như thế họ đã sai rồi. Chúng ta sao lại đến Tây phương cực lạc thế giới? Là vì cứu độ nhất thiết chúng sanh.
5 不到西方世界,我们的烦恼断不了,我们的智慧不能圆满成就,我们纵然有心想帮助众生,我们没有能力。我们到西方是学本事去的,我有这个能力了,回头就来,这是“自利利他”。
Không đến Tây phương thế giới, phiền não của chúng ta không đoạn nổi, trí huệ của chúng ta không thể thành tựu viên mãn, chúng ta nếu có lòng muốn giúp đỡ chúng sanh, chúng ta lại chẳng có khả năng. Chúng ta đến Tây phương là đến chỗ gốc để học, ta có được khả năng rồi, liền trở lại độ chúng sanh, đây là “tự lợi lợi tha”
6 我们求生净土,是为了度众生。我不求净土,我现在发愿度众生行不行?不行。所谓是“泥菩萨过河,自身难保”,你自己度自己都度不了,你怎么能度人?
Chúng ta cầu sanh Tịnh độ, là vì để độ chúng sanh. Không cầu sanh Tịnh độ, chúng ta hiện tại phát nguyện độ chúng sanh được hay không? Là không được. Là do “Bồ-tát bằng đất qua sông, tự thân khó bảo toàn”, anh tự thân độ mình còn chưa được, anh làm sao độ được ai?
7 往生西方极乐世界,成己成人,所以一意求生西方极乐世界才是最积极。譬如你看到有人掉到水里去,你不会游泳,你没法子救他。你要先学会一身本事,下了水才能救人;否则的话,你下去是去送命。
Vãng sanh về Tây phương Cực lạc thế giới, nên mình nên người, cho nên một lòng cầu sanh Tây phương Cực lạc thế giới mới là “tối tích cực”. Thí như anh thấy một người bị chìm xuống nước, anh không biết bơi, anh không có cách chi cứu họ. Anh trước phải học biết được hết thảy việc bảo toàn bản thân, xuống nước anh mới có thể cứu người; còn không thì có thể nói, anh nhảy xuống tức là oan đi một mạng.
8 我们看到了无边苦海这些众生头出头没,我们生起大悲心,生起怜悯之心,想快快地救他。你想快快救他,你就要快快成就自己,所以求往生不是消极,是积极!
Chúng ta thấy vô biên chúng sanh thoạt chìm thoạt nổi trong biển khổ, chúng ta phát khởi tâm từ bi, phát sinh lòng thương xót, muốn nhanh nhanh cứu giúp họ. Anh muốn nhanh nhanh cứu họ, anh nhất định phải nhanh nhanh thành tựu bản thân, cho nên cầu vãng sanh chẳng phải là tiêu cực, chính là tích cực!
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
NIỆM PHẬT CẦU SANH TỊNH ĐỘ LÀ VIỆC LÀM VÔ CÙNG TÍCH CỰC.
净空法师法语:念佛求生净土,是最积极的行为
1 我们念佛人要自觉觉他,内能够把烦恼放下,外面把世缘尽量地减少。所谓随缘而不攀缘,多一事不如少一事,少一事不如无事,人家也许看到我们这很消极,这个不妨碍。
Chúng ta những người niệm Phật cần phải tự giác, giác tha, trong thì có thể đem phiền não mà buông xuống, ngoài đem hết thảy mọi việc đời giảm thiểu đến mức tối đa. Cho nên, tuỳ duyên nhưng không phan duyên, thêm một việc không bằng bớt một việc, bớt một việc không bằng vô sự, người ta hẳn sẽ cho rằng chúng ta thế này rất tiêu cực, việc đó chẳng phương ngại.
2 他说我消极,我就消极,咱们好好地把这个时间拿来念佛。等我们这个佛念好了,纵然灾难来了,我们决定不受这个灾难,那个时候才晓得,我们的消极的确有很多好处。
Họ nói mình tiêu cực, mình liền tiêu cực, chúng ta khéo khéo dành hết thảy thời gian niệm Phật. Đợi khi chúng ta niệm Phật được tốt rồi, bất chợt nạn tai có đến, chúng ta liền nhất định không nhận lấy nạn tai này, đến lúc đó mới hiểu được, cái tiêu cực của chúng ta xác thực rất ư là thuận lợi.
3 对于世缘要消极,对于念佛要积极。我们念佛,要真正地发愿,愿生西方净土。我们今天发愿,就是为救度一切众生求生净土的。
Đối với việc đời cần phải tiêu cực, đối với việc niệm Phật cần phải tích cực. Chúng ta niệm Phật, phải nên chân chánh phát nguyện, nguyện sanh Tây phương tịnh độ. Chúng ta ngày nay phát nguyện, chính là vì cứu độ hết thảy chúng sinh mà cầu sanh tịnh độ vậy.
4 念佛往生的人,是最积极的!有很多人认为念佛是自了汉,好像是消极,不值得学习,那是他看错了。我们为什么到西方极乐世界?为救度一切众生。
Người niệm Phật vãng sanh, là người vô cùng tích cực! Có nhiều người cho rằng niệm Phật là không phải hảo hán, có vẻ tiêu cực, không đáng để học, như thế họ đã sai rồi. Chúng ta sao lại đến Tây phương cực lạc thế giới? Là vì cứu độ nhất thiết chúng sanh.
5 不到西方世界,我们的烦恼断不了,我们的智慧不能圆满成就,我们纵然有心想帮助众生,我们没有能力。我们到西方是学本事去的,我有这个能力了,回头就来,这是“自利利他”。
Không đến Tây phương thế giới, phiền não của chúng ta không đoạn nổi, trí huệ của chúng ta không thể thành tựu viên mãn, chúng ta nếu có lòng muốn giúp đỡ chúng sanh, chúng ta lại chẳng có khả năng. Chúng ta đến Tây phương là đến chỗ gốc để học, ta có được khả năng rồi, liền trở lại độ chúng sanh, đây là “tự lợi lợi tha”
6 我们求生净土,是为了度众生。我不求净土,我现在发愿度众生行不行?不行。所谓是“泥菩萨过河,自身难保”,你自己度自己都度不了,你怎么能度人?
Chúng ta cầu sanh Tịnh độ, là vì để độ chúng sanh. Không cầu sanh Tịnh độ, chúng ta hiện tại phát nguyện độ chúng sanh được hay không? Là không được. Là do “Bồ-tát bằng đất qua sông, tự thân khó bảo toàn”, anh tự thân độ mình còn chưa được, anh làm sao độ được ai?
7 往生西方极乐世界,成己成人,所以一意求生西方极乐世界才是最积极。譬如你看到有人掉到水里去,你不会游泳,你没法子救他。你要先学会一身本事,下了水才能救人;否则的话,你下去是去送命。
Vãng sanh về Tây phương Cực lạc thế giới, nên mình nên người, cho nên một lòng cầu sanh Tây phương Cực lạc thế giới mới là “tối tích cực”. Thí như anh thấy một người bị chìm xuống nước, anh không biết bơi, anh không có cách chi cứu họ. Anh trước phải học biết được hết thảy việc bảo toàn bản thân, xuống nước anh mới có thể cứu người; còn không thì có thể nói, anh nhảy xuống tức là oan đi một mạng.
8 我们看到了无边苦海这些众生头出头没,我们生起大悲心,生起怜悯之心,想快快地救他。你想快快救他,你就要快快成就自己,所以求往生不是消极,是积极!
Chúng ta thấy vô biên chúng sanh thoạt chìm thoạt nổi trong biển khổ, chúng ta phát khởi tâm từ bi, phát sinh lòng thương xót, muốn nhanh nhanh cứu giúp họ. Anh muốn nhanh nhanh cứu họ, anh nhất định phải nhanh nhanh thành tựu bản thân, cho nên cầu vãng sanh chẳng phải là tiêu cực, chính là tích cực!
Nguồn: http://www.xuefo.net/show1_14716.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh
Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ PHÁP NGỮ (15-07-2009)
HỌC PHẬT LÀ SỰ HƯỞNG THỤ CAO NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI- TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ.學佛是人生最高的享受-淨空法師
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ PHÁP NGỮ: KHÔNG CÓ BỆNH KHỔ, NHƯ NHẬP THIỀN ĐỊNH, ĐÂY LÀ CHÂN CHÁNH CÔNG PHU-净空法师法语:没有病苦,如入禅定,这是真功夫.
1 禅定,是自己有主宰、有主见,不为外境所动。禅的意思是静虑,也叫止观。 “止”是放下妄想分别执着;“观”是看破“凡所有相,皆是虚妄”。
Thiền định, là tự thân có chủ tể, có chủ kiến, không bị động vì ngoại cảnh. Ý nghĩa của THIỀN là tịnh lự, còn gọi là CHỈ QUÁN. “Chỉ” là buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước; “Quán” là thẩm xét ra “phàm tướng nào có sanh ra, hết thảy đều hư vọng”.
2 佛法不管是哪一宗,显教密宗,各宗各派,都重视禅定。无量法门都是修禅定,离开禅定就没有佛法了,可见得禅定非常重要。
Phật pháp bất luận là tông phái nào, hiển giáo hay mật tông, mỗi tông mỗi phái, đều xem trọng thiền định. Vô lượng pháp môn đều là tu thiền định, xa rời thiền định tức thời không có Phật pháp rồi, thế mới thấy đắc được thiền định là vô cùng cần thiết.
3 佛法的修学着重禅定,不着重研究。经典愈研究是愈糟糕,愈差错;你心定,你心清净,你就全都明了了。所谓觉心不动,你只要心定下来,就与你的觉性相应了。
Tu học Phật pháp rất chú trọng Thiền định, không chú trọng nghiên cứu. Kinh điển càng nghiên cứu càng rắc rối, càng nhầm lẫn; tâm anh định, tâm anh thanh tịnh, anh chính là toàn bộ minh minh liễu liễu. Gọi là tâm giác ngộ không lay động, anh chỉ cần đặt chân vào tâm định, chính là cùng với giác tánh của anh tương ứng rồi.
4 修行人要喜欢寂寞,心常住定中,才能成就。有道行的人,言语必少,因为他的心是定的。
Người tu hành cần phải vui thích với sự tịch mặc, tâm thường trú trong định, mới có thể thành tựu. Người có đạo hạnh, ngôn ngữ hẳn là rất ít, bởi vì tâm của họ là tâm định.
5 定是佛门修行的关键,也就是说,我们要恢复本性、恢复真心,用什么方法?用定。
Định là then chốt tu hành của Phật môn, cũng chính là nói, chúng ta cần khôi phục bản tánh, khôi phục chân tâm, dùng phương pháp nào? Sử dụng Thiền định.
6 佛法不是知识,它是智慧。知识是从分别心里面显现出来的,智慧是从清净心里面显现出来的,它不一样。念佛人修清净心,清净心就是禅定。
Phật pháp không phải là tri thức, nó là Trí tuệ. Tri thức là tư trong cái tâm phân biệt xuất hiện ra, Trí tuệ là từ nơi trong tâm thanh tịnh lưu xuất, nó không giống nhau. Người niệm Phật tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là Thiền định.
7 念佛人讲“功夫成片、一心不乱”,那就是禅定。净土宗是用“持名念佛”的方法修禅定。没有一个法门不是修定的,你认为只有禅宗才修定,那你就搞错了!
Người niệm Phật nói “công phu thành mảng, nhất tâm bất loạn”, đó chính là Thiền định. Tịnh độ tông là dùng phương pháp “trì danh niệm Phật” để tu Thiền định. Chẳng có một pháp môn nào mà chẳng là Thiền định, anh cho rằng chỉ có Thiền tông mới tu Thiền định, như thế là anh đã làm sai rồi!
8 禅定不是心里什么都没有,不是的,禅定是清清楚楚、如如不动。遇到任何事情,都要练习心中了了分明,如如不动。“如如不动”就是内心清净,没有妄想分别执着。
Thiền định chẳng phải là trong tâm cái gì cũng chẳng có, không phải vậy, Thiền định là rõ rõ ràng ràng, như như bất động. Gặp phải sự tình gì, đều phải tập cho trong tâm liễu liễu phân minh, như như bất động. “Như Như bất động” chính là nội tâm thanh tịnh, không có vọng tưởng phân biệt chấp trước.
9 禅定不是闭着眼睛参,是睁着眼睛参的,六根见外面六尘境界清清楚楚。要不要打坐,跟“禅定”没什么大关系。真正高明的“定”没有迹相,行住坐卧都是“禅定”,嬉笑怒骂也是“禅定”。
Thiền định không phải là nhắm mắt lại mà tham thiền, là mở mắt mà tham thiền, lục căn nhìn thấy lục trần bên ngoài rõ rõ ràng ràng. Ngồi thiền hay không ngồi, cùng với “Thiền định” chẳng có quan hệ gì. Định chân chánh cao minh chẳng có kiểu dáng, đi đứng ngồi nằm đều là “Thiền định”, cười đùa la rầy lại cũng là “Thiền định”.
10 《坛经》里面说:外不着相叫“禅”,内不动心叫“定”。六根接触六尘境界,你不着相,就叫做“禅”;心里不起贪嗔痴慢,心里清净不起烦恼,就叫做“定”。
Trong “Pháp Bảo Đàn Kinh” có nói: ngoài không trước tướng gọi đó là “Thiền”, trong bất động gọi đó là “Định”. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, anh không chấp tướng, chính là thực hành thiền; trong tâm không khởi tham sân si mạn, tâm thanh tịnh không khởi phiền não, gọi là thực hành định.
Nguồn: http://www.xuefo.net/znxg_13809_1.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh http://blog.com.vn/ly_nhat_minh
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ PHÁP NGỮ: KHÔNG CÓ BỆNH KHỔ, NHƯ NHẬP THIỀN ĐỊNH, ĐÂY LÀ CHÂN CHÁNH CÔNG PHU-净空法师法语:没有病苦,如入禅定,这是真功夫.
1 禅定,是自己有主宰、有主见,不为外境所动。禅的意思是静虑,也叫止观。 “止”是放下妄想分别执着;“观”是看破“凡所有相,皆是虚妄”。
Thiền định, là tự thân có chủ tể, có chủ kiến, không bị động vì ngoại cảnh. Ý nghĩa của THIỀN là tịnh lự, còn gọi là CHỈ QUÁN. “Chỉ” là buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước; “Quán” là thẩm xét ra “phàm tướng nào có sanh ra, hết thảy đều hư vọng”.
2 佛法不管是哪一宗,显教密宗,各宗各派,都重视禅定。无量法门都是修禅定,离开禅定就没有佛法了,可见得禅定非常重要。
Phật pháp bất luận là tông phái nào, hiển giáo hay mật tông, mỗi tông mỗi phái, đều xem trọng thiền định. Vô lượng pháp môn đều là tu thiền định, xa rời thiền định tức thời không có Phật pháp rồi, thế mới thấy đắc được thiền định là vô cùng cần thiết.
3 佛法的修学着重禅定,不着重研究。经典愈研究是愈糟糕,愈差错;你心定,你心清净,你就全都明了了。所谓觉心不动,你只要心定下来,就与你的觉性相应了。
Tu học Phật pháp rất chú trọng Thiền định, không chú trọng nghiên cứu. Kinh điển càng nghiên cứu càng rắc rối, càng nhầm lẫn; tâm anh định, tâm anh thanh tịnh, anh chính là toàn bộ minh minh liễu liễu. Gọi là tâm giác ngộ không lay động, anh chỉ cần đặt chân vào tâm định, chính là cùng với giác tánh của anh tương ứng rồi.
4 修行人要喜欢寂寞,心常住定中,才能成就。有道行的人,言语必少,因为他的心是定的。
Người tu hành cần phải vui thích với sự tịch mặc, tâm thường trú trong định, mới có thể thành tựu. Người có đạo hạnh, ngôn ngữ hẳn là rất ít, bởi vì tâm của họ là tâm định.
5 定是佛门修行的关键,也就是说,我们要恢复本性、恢复真心,用什么方法?用定。
Định là then chốt tu hành của Phật môn, cũng chính là nói, chúng ta cần khôi phục bản tánh, khôi phục chân tâm, dùng phương pháp nào? Sử dụng Thiền định.
6 佛法不是知识,它是智慧。知识是从分别心里面显现出来的,智慧是从清净心里面显现出来的,它不一样。念佛人修清净心,清净心就是禅定。
Phật pháp không phải là tri thức, nó là Trí tuệ. Tri thức là tư trong cái tâm phân biệt xuất hiện ra, Trí tuệ là từ nơi trong tâm thanh tịnh lưu xuất, nó không giống nhau. Người niệm Phật tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là Thiền định.
7 念佛人讲“功夫成片、一心不乱”,那就是禅定。净土宗是用“持名念佛”的方法修禅定。没有一个法门不是修定的,你认为只有禅宗才修定,那你就搞错了!
Người niệm Phật nói “công phu thành mảng, nhất tâm bất loạn”, đó chính là Thiền định. Tịnh độ tông là dùng phương pháp “trì danh niệm Phật” để tu Thiền định. Chẳng có một pháp môn nào mà chẳng là Thiền định, anh cho rằng chỉ có Thiền tông mới tu Thiền định, như thế là anh đã làm sai rồi!
8 禅定不是心里什么都没有,不是的,禅定是清清楚楚、如如不动。遇到任何事情,都要练习心中了了分明,如如不动。“如如不动”就是内心清净,没有妄想分别执着。
Thiền định chẳng phải là trong tâm cái gì cũng chẳng có, không phải vậy, Thiền định là rõ rõ ràng ràng, như như bất động. Gặp phải sự tình gì, đều phải tập cho trong tâm liễu liễu phân minh, như như bất động. “Như Như bất động” chính là nội tâm thanh tịnh, không có vọng tưởng phân biệt chấp trước.
9 禅定不是闭着眼睛参,是睁着眼睛参的,六根见外面六尘境界清清楚楚。要不要打坐,跟“禅定”没什么大关系。真正高明的“定”没有迹相,行住坐卧都是“禅定”,嬉笑怒骂也是“禅定”。
Thiền định không phải là nhắm mắt lại mà tham thiền, là mở mắt mà tham thiền, lục căn nhìn thấy lục trần bên ngoài rõ rõ ràng ràng. Ngồi thiền hay không ngồi, cùng với “Thiền định” chẳng có quan hệ gì. Định chân chánh cao minh chẳng có kiểu dáng, đi đứng ngồi nằm đều là “Thiền định”, cười đùa la rầy lại cũng là “Thiền định”.
10 《坛经》里面说:外不着相叫“禅”,内不动心叫“定”。六根接触六尘境界,你不着相,就叫做“禅”;心里不起贪嗔痴慢,心里清净不起烦恼,就叫做“定”。
Trong “Pháp Bảo Đàn Kinh” có nói: ngoài không trước tướng gọi đó là “Thiền”, trong bất động gọi đó là “Định”. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, anh không chấp tướng, chính là thực hành thiền; trong tâm không khởi tham sân si mạn, tâm thanh tịnh không khởi phiền não, gọi là thực hành định.
Nguồn: http://www.xuefo.net/znxg_13809_1.htm
Chỉ mong chuyển được ý để bạn đồng học đồng tu nào chưa học qua tiếng Hoa có thể lược xem đại ý. Bài dịch nếu có sơ sót, xin được chỉ dẫn thêm.
Lý Nhật Minh http://blog.com.vn/ly_nhat_minh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)